Người đàn ông tàn tật và chiếc xe trâu đưa đón trẻ mầm non miễn phí

Bị dị tật ở chân, đi lại khó khăn nên sau lần ngã xe đạp khi đi đón con, anh Ngọc đã “chế” chiếc xe trâu thành phương tiện để đưa đón con đi học. Không những thế, người đàn ông này còn làm tài xế đưa ...

Bị dị tật ở chân, đi lại khó khăn nên sau lần ngã xe đạp khi đi đón con, anh Ngọc đã “chế” chiếc xe trâu thành phương tiện để đưa đón con đi học. Không những thế, người đàn ông này còn làm tài xế đưa đón hàng chục đứa trẻ khác tới trường miễn phí.

Chiếc xe trâu đưa đón học sinh của anh Văn Đình Ngọc.
Chiếc xe trâu đưa đón học sinh của anh Văn Đình Ngọc.

Từ hơn 1 năm nay, người dân xóm Chùa và xóm Văn Ngọc (xã Thanh Khai, Thanh Chương, Nghệ An) đã quá quen với cảnh một người đàn ông ngồi vắt vẻo trên chiếc càng xe cải tiến, đánh trâu đến từng nhà có con đang học mầm non để đón trẻ đến trường. Ở trước cổng, những đứa trẻ đã đứng chờ sẵn ở đây, chỉ cần thấy chiếc xe trâu của “bố Ngọc” là nhanh nhẹn bước ra.

Anh Văn Đình Ngọc (SN 1982, trú xóm Chùa, xã Thanh Khai) tụt xuống khỏi càng xe, tấp tểnh bước ra, bế từng đứa trẻ lên xe rồi cài then cửa lại. Đón hết lũ trẻ lên xe, kiểm tra lại chiếc khóa cửa, buông tấm ri đô xuống cho ấm, mấy “bố con” đi đến trường. Lũ trẻ ngoan ngoãn ngồi trong xe, tranh nhau hát. Thỉnh thoảng chúng còn được “bố Ngọc” chiêu đãi mấy bài hát từ chiếc đài cũ kỹ.

Đến trước cổng trường, nghe tiếng “họ”, chú trâu ngoan ngoãn dừng lại. Anh Ngọc xuống xe, mở cửa, bế từng đứa trẻ xuống, giao cho các cô giáo đã đứng đợi sẵn rồi đánh xe về. 4h chiều, chiếc xe đưa đón học sinh đặc biệt này lại chờ sẵn ở trước cổng, sẵn sàng đón các cháu về trả cho bố mẹ.

Bị tật ở chân, dù đi lại khó khăn nhưng anh Ngọc không yêu cầu bố mẹ các cháu phải trả tiền công đưa đón.
Bị tật ở chân, dù đi lại khó khăn nhưng anh Ngọc không yêu cầu bố mẹ các cháu phải trả tiền công đưa đón.

“Bị di chứng từ một trận ốm hồi còn nhỏ nên tôi đi lại khó khăn. Vợ đi làm công nhân cho nhà máy gạch, tôi có nhiệm vụ đưa đón 3 đứa con đi học. Hai cháu đầu học tiểu học, có thể tự đến trường được, còn cháu út 3 tuổi đang học mầm non nên phải đưa đón. Hồi cuối năm ngoái, khi con bé thứ 2 đang học mầm non, cũng thời tiết mưa rét này đây, tôi đi xe đạp đến trường chở con về, bị trượt ngã, dù không ai bị thương nhưng từ đó tôi không dám đón con bằng xe đạp nữa”, anh tâm sự.

Nhà anh Ngọc có con trâu thuần và chiếc xe cải tiến, vẫn thường được dùng để chuyên chở lương thực. Sau mấy đêm suy nghĩ, anh Ngọc quyết định biến chiếc xe cải tiến chở lúa ấy thành xe đưa đón con đi học. Chiếc xe được chùi rửa sạch sẽ, trang bị thêm “hệ thống” bảo vệ bằng sắt, rèm che, lắp thêm mái chống mưa nắng, trên thùng xe đặt 3 thanh gỗ làm ghế cho các cháu ngồi.

Dần dần, người dân quen với hình ảnh cha con anh Ngọc ngồi trên xe trâu đến trường rồi về nhà. Thấy một số cháu mầm non xóm Chùa, xóm Văn Ngọc (trên đường đi từ nhà anh Ngọc đến Trường mầm non Thanh Khai) bố mẹ đi làm xa, ông bà đưa đón vất vả nên anh Ngọc mạnh dạn đề nghị sẽ giúp đưa đón các cháu. Sau đó, nhiều gia đình khác cũng nhờ anh đưa đón con mình đi học. Anh Ngọc trở thành “tài xế chuyên nghiệp” từ đó.

Chiếc xe được đóng khung sắt bao quanh, lắp mái tôn và rèm che mưa nắng để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho các cháu.
Chiếc xe được đóng khung sắt bao quanh, lắp mái tôn và rèm che mưa nắng để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho các cháu.

Dưới bàn tay điều khiển của anh Ngọc, chú trâu cũng quen dần với nhiệm vụ mới. Không những thuần mà nó còn khá khôn, tự biết đường tránh hay dừng khi có xe đi ngược chiều. Kinh phí thực hiện “dự án” này, anh Ngọc cho biết mất khoảng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, việc đưa đón các cháu được anh miễn phí hoàn toàn.

“Thỉnh thoảng các gia đình biếu anh Ngọc dăm chục nghìn gọi là chứ anh chẳng bao giờ hỏi tiền nong. Có anh ấy đưa đón cháu, chúng tôi cũng yên tâm, các cháu ngồi trên xe, không sợ mưa gió rét mướt chi cả”, bà Văn Thị Vinh (xóm Chùa) cho biết.

Hỏi về vấn đề an toàn giao thông, nhiều người dân nói, việc xe trâu tham gia giao thông, lại chở người dù không đúng luật giao thông, nhưng chiếc xe cũng chỉ đi trong đường làng, anh Ngọc lại làm khung sắt, chở các cháu rất cẩn thận, nên không đáng ngại.

Ông Võ Trọng Hòe – Chủ tịch UBND xã Thanh Khai – cho biết: “Hơn 1 năm nay, anh Ngọc đưa đón các cháu mầm non đi học miễn phí bằng chiếc xe trâu, mỗi chuyến có thể chở được 10-15 cháu. Cá nhân tôi thấy chiếc xe rất an toàn khi có khung sắt bao quanh, có mái che, trang bị cả ghế ngồi, con trâu thì thuần, dễ bảo nên cũng không có vấn đề gì đáng lo ngại. Việc làm của anh Ngọc rất đáng ghi nhận”.

Nói về việc làm của mình, anh Ngọc gãi đầu cười: “Có chi mà nói. Tôi đưa con đi học nên tiện đường đưa các cháu thôi. Chắc lúc nào cháu út hết tuổi mẫu giáo thì tôi cũng nghỉ”.

(Nguồn dantri.com.vn)

Bài viết liên quan

Danh mục khác