Ký ức về những ngày nuôi quân đánh giặc
Ngài Chồ nằm trên đỉnh núi cao gần 1.500m thuộc dãy núi Pu Sam Cáp. Bao đời, người mông ở Ngài Chồ đeo bám núi rừng để sống. Chúng tôi gặp ông Vàng A Sình (sinh năm 1957) trong ngôi nhà vách gỗ cũ kỹ, mái lợp fibro - xi măng. Thứ quý giá nhất trong căn nhà đơn sơ của ông Sình có lẽ chính là tấm danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được ông gìn giữ, treo trang trọng giữa hàng chục tấm giấy khen trên tường gỗ chính diện cửa nhà suốt mấy chục năm qua. Ông coi tấm danh hiệu như chính vật báu trong cuộc đời đi lính của mình.
Ông Vàng A Sình nâng niu tấm danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi trao đổi cùng nữ phóng viên
Tháng 10/1976, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Vàng A Sình khi ấy 19 tuổi đã tự nguyện xin đi bộ đội, ban đầu bị từ chối vì cân nặng không đảm bảo (39kg). Nhưng không nản lòng, chàng thanh niên mông đã năn nỉ và được chấp thuận lên đường nhập ngũ. Khi ấy, ông Vàng A Sình là thanh niên mông đầu tiên của bản Ngài Chồ nhập ngũ.
Ông Sình kể: “Thời điểm đó, sau một thời gian huấn luyện tân binh, ông được đưa về Đại đội 18, đóng quân tại bản Pô Tô, xã Huổi Luông, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Chỉ huy đơn vị đi vòng quanh ông mấy vòng và thở dài “người gì mà bé tí”, sau đó ông được phân về bộ phận hậu cần, giao việc nấu cơm. Sau gần 2 năm đi chợ, nấu cơm, đến năm 1978, khi tình hình biên giới Việt - Trung căng thẳng, ông đã mạnh dạn lên gặp chỉ huy bày tỏ nguyện vọng. “Cán bộ cho mình ra biên giới làm việc gì cũng được”, thế là ông được ra biên giới ma Lù Thàng, nấu cơm cho bộ đội ở chiến tuyến biên giới.
Ông Vàng A Sình kể về việc làm kinh tế thoát nghèo bên dịch vụ xay sát của gia đình
Tờ mờ sáng ngày 17/2/1979, pháo binh Trung Quốc tăng cường đánh phá các cơ sở trận địa của Việt Nam và các bản làng. Điểm chốt của Đại đội 18 nằm ngay đầu cầu Hữu Nghị, cạnh sông Nậm Na bị bắn phá dữ dội khiến anh em đơn vị thương vong nặng, hầm hào công sự bị phá tan hoang. Binh nhất Vàng A Sình lúc này vừa gánh cơm lên trận địa và lao ra nhặt khẩu súng B41 của đồng đội hy sinh định bắn trả thì Đại đội trưởng Bùi Xuân Nhâm cản vì nghĩ “thấp bé vậy, sao bắn được” và lệnh cho Sình lắp đạn cho bộ đội chiến đấu. Hết đạn, Sình bò về hầm vũ khí đại đội kéo cả hòm lựu đạn ra công sự đánh trả địch.
Buổi chiều ngày 17/2/1979, binh nhất Vàng A Sình tập hợp được 3 chiến sĩ ở trận địa và dùng lựu đạn đánh chặn cho đồng đội rút. Hết đạn, ông lao mình xuống vách núi, quyết không để địch bắt sống. may mắn ông mắc vào cành cây và tìm đường về hậu cứ. “Trong trận chiến đó, Đại đội có 75 người thì 60 người đã hy sinh, chỉ còn 15 người sống sót trở về”, ông Vàng A Sình xúc động nhớ lại.
Sau đó 1 tháng, tháng 3/1979, khi đang đào công sự ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) thì binh nhất Vàng A Sình được gọi về Bộ Quốc phòng báo cáo kết quả cuộc chiến. Ngay sau đó, ông lại được đưa sang Gia Lâm, lên máy bay tới Điện Biên rồi qua cửa khẩu Tây Trang sang nước bạn Lào để nói chuyện, phổ biến kinh nghiệm chiến đấu cho bộ đội Lào. Và cứ thế, suốt một tháng trời, câu chuyện phòng ngự - tiêu diệt địch trong điều kiện hầm hào công sự bị phá huỷ của Binh nhất Vàng A Sình được ông truyền đạt lại làm kinh nghiệm chiến đấu cho cán bộ chiến sỹ quân đội.
Ngày 20/12/1979, Binh nhất Vàng A Sình được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhưng vẫn mù chữ, nên năm 1980 Binh nhất Vàng A Sình quyết tâm sang Yên Bái học cái chữ tại Trường Văn hoá của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn. Tháng 9/1980, ông được phong hàm vượt cấp từ Binh nhất lên Chuẩn uý. Năm 1983, Ban Chỉ huy quân sự huyện Sìn Hồ xin ông Sình về công tác bởi địa phương không có cán bộ người mông. Từ đó, ngày thì ông làm trợ lý động viên tuyển quân của Ban Chỉ huy quân sự huyện, tối lại tiếp tục cắp sách tới lớp bổ túc văn hóa. Tháng 5/1983, ông được phong hàm Trung úy.
Chất lính giữa thời bình
Năm 1981, Trung uý Vàng A Sình lấy vợ. Đến năm 1983, vợ chồng ông đã có với nhau 2 mặt con, vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi ruộng ít, không người làm, mỗi ngày chỉ 2 bữa sắn, ngô nên ông xin bố mẹ cho vợ con ở chung để mình yên tâm đi công tác tuyển quân các xã.
Tháng 6/1988, xuất ngũ trở về địa phương, Trung uý Vàng A Sình đem hết số tiền chế độ mua 2 mảnh đất, khai hoang làm nương trồng ngô, sắn. Ông Sình cả ngày trên đồi, dường như bao nhiêu sức lực ông lại ném vào “trận đánh giặc đói” này với quyết tâm thoát nghèo, may mắn lại mỉm cười với ông khi cuối năm 1994 gia đình ông thoát khỏi cảnh đói.
Khi được hỏi về những đóng góp của ông với địa phương, ông Vàng A Sình chỉ mỉm cười và nói “những đóng góp của tôi quá nhỏ bé so với những đóng góp to lớn của các đồng chí khác”.
Tuy vậy, khi dặm hỏi những người già trong bản, chúng tôi được biết, những năm 1990, ông Sình đã lặn lội cả tháng trời đào rãnh, ghép ống tre làm đường nước sạch dẫn về bản. Đầu những năm 2000, thấy con đường mòn vào bản phải vượt đỉnh núi cao trơn trượt, ông đã cặm cụi mấy tháng liền cuốc đất làm đường nhánh dưới chân dốc bằng phẳng, làm gương cho cả bản mang cuốc xẻng mở đường mới để dễ đi… Với vai trò cán bộ công tác mặt trận từ năm 1989 đến năm 2002, ông làm trưởng bản đến năm 2018. Thấu hiểu những bất cập trong việc không biết chữ cũng như biết rõ nguyên nhân đói nghèo, ông đã ra sức vận động phụ huynh cho con em đi học, vận động bà con không xuất cảnh trái phép... Theo đó, đến nay, tỷ lệ học sinh đến tuổi đi học đã đạt 100% và không còn tình trạng người dân xuất cảnh trái phép.
Với những đóng góp tích cực của mình cho sự đổi thay của bản mông - Ngài Chồ, Trung uý Vàng A Sình được Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, xã tặng nhiều Bằng khen, giấy khen tiêu biểu trong số đó như: Năm 2009 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sìn Hồ tặng giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; Năm 2013 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sìn Hồ tặng giấy khen đã có thành tích xuất sắc nhân kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng huyện Sìn Hồ (19/12/1953 – 19/12/2013); Năm 2014 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sìn Hồ tặng giấy khen đã có nhiều thành tích xuất sắc tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước và có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đồng bào dân tộc thiểu số…
Chia tay người lính Anh hùng của bản mông – Ngài Chồ, chúng tôi rộn lên sự tự hào, lòng kiêu hãnh về những người lính dân tộc thiểu số đã cùng với đồng bào các dân tộc từng một thời oanh liệt, tham gia khắp các chiến trường và đến hôm nay, về với đời thường, họ vẫn sáng mãi với phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ.
Bài, ảnh: Hoài Dương