Nhiều chính sách an sinh có hiệu lực từ tháng 1/2022

(LĐXH) - Từ tháng 1/2022, nhiều chính sách liên quan đến an sinh, người lao động bắt đầu có hiệu lực, trong đó có tăng lương hưu, tăng mức đóng bảo hiểm tự nguyện, tăng tuổi nghỉ hưu...

Tăng tuổi nghỉ hưu

Năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện làm việc bình thường sẽ là 60 tuổi 6 tháng và lao động nữ là 55 tuổi 8 tháng; thay vì lần lượt 60 tuổi 3 tháng và 55 tuổi 4 tháng như năm 2021.

Tùy trường hợp, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Người được nghỉ hưu sớm gồm lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề nặng nhọc, độc hại nằm trong danh mục quy định; người làm việc 15 năm trở lên ở vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; người bị suy giảm khả năng lao động từ 61%.

Ngược lại, lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu muộn hơn, nếu đạt được thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Tăng tuổi nghỉ hưu, không phân loại rác sẽ bị xử phạt, điều chỉnh giá xăng 10 ngày một lần... là những chính sách có hiệu lực từ đầu năm 2022.

Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu

Từ ngày 1/1/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ thay đổi căn cứ vào Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

Nhiều chính sách an sinh có hiệu lực từ tháng 1/2022 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cụ thể, quy định về chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống. Chuẩn hộ nghèo tại khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống.

Do đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu từ 1/1/2022 sẽ tăng lên.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất sẽ là 330.000 đồng/tháng (cách tính bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn: 22% x 1,5 triệu đồng). Hiện nay, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất mà người tham gia bảo hiểm xã hội phải đóng, bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 154.000 đồng/tháng (22% x 700.000 đồng).

Cùng với đó, mức hỗ trợ tiền đóng của nhà nước đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng tăng lên. Theo đó, đối với người tham gia thuộc hộ nghèo thì số tiền hỗ trợ sẽ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng; hỗ trợ cho hộ cận nghèo tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng và hỗ trợ cho người tham gia thuộc đối tượng khác tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng.

Do năm 2022 chưa thực hiện cải cách tiền lương nên lương cơ sở 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng. Vì thế, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa là 29.800.000 đồng/tháng.

Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Theo Nghị định 108, từ ngày 1/1/2022, lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp hàng tháng của người hưởng lương hưu thấp, người về hưu trước năm 1995 sẽ được tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu của tháng 12/2021.

Người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 sẽ được điều chỉnh đạt 2,5 triệu đồng một tháng. Người hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng được tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng; người hưởng từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng được điều chỉnh đủ 2,5 triệu đồng.

Có tám nhóm được tăng lương hưu, trợ cấp, trong đó có cán bộ xã, phường, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; người hưởng trợ cấp mất sức lao động, công nhân cao su, người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bộ đội, công an tham gia kháng chiến chống Mỹ đã xuất ngũ về địa phương...

Nguồn kinh phí tăng lương hưu, trợ cấp từ ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội. Dự kiến tổng kinh phí điều chỉnh khoảng 12.650 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước bổ sung cho người nghỉ hưu trước năm 1995 là 3.648 tỷ đồng.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài không phải đóng BHXH và thuế 2 lần

Từ ngày 1/1/2022, luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực.

Tại luật sửa đổi lần này là quy định quyền của Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không phải đóng BHXH hoặc thuế thu nhập cá nhân 2 lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về BHXH hoặc hiệp định tránh đánh thuế 2 lần…

Nhiều chính sách an sinh có hiệu lực từ tháng 1/2022 - Ảnh 2.

Nhiều chính sách liên quan đến lương hưu và người lao động

Luật có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động Việt Nam trong thời gian làm việc ở nước ngoài, nhất là quy định cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động, có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục…

Luật quy định rõ cấm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong các công việc sau: massage tại nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí; săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả; công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn như dưới lòng đất, đại dương…

Thu nhập từ 2 triệu đồng/tháng trở xuống ở thành thị được coi là nghèo

Nghị định số 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều, thay thế cho Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ban hành từ năm 2015, quy định từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo.

Trước đây, ở thành thị, hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng-1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì mới được coi là hộ nghèo. Còn ở nông thôn, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng-1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Cấp thẻ BHYT miễn phí cho người thuộc diện chính sách chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều

Theo BHXH Việt Nam, những người thuộc diện chuẩn nghèo cũ từ nay sẽ phải chủ động tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình và không được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT như trước đây. Còn các đối tượng thuộc diện chính sách chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT miễn phí kể từ ngày 1/1/2022.

Nam Khánh

Bài viết liên quan

Danh mục khác