Gần 700.000 hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp
Dựa trên Hướng dẫn số 72/HD-TƯHCTĐ ngày 13/3/2019 của Trung ương Hội, các cấp Hội đã xác định rõ tiêu chí khảo sát, lập hồ sơ địa chỉ nhân đạo phù hợp với điều kiện địa phương. Nhiều tỉnh, thành Hội phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc xác định tiêu chí lựa chọn, quy trình khảo sát và lập hồ sơ đối tượng cần trợ giúp, đảm bảo công khai, dân chủ và có sự tham gia của cộng đồng.
Trên cơ sở hồ sơ cụ thể, các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên và tham mưu cho cấp ủy Đảng vận động các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm trợ giúp các đối tượng theo hồ sơ giới thiệu. Hình thức trợ giúp đa dạng, sát với nhu cầu của đối tượng và phù hợp với vùng miền, bao gồm trợ cấp thường xuyên, khám chữa bệnh, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, xây nhà Chữ thập đỏ, cấp học bổng và hỗ trợ học nghề.
Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã khảo sát và lập 869.567 hồ sơ địa chỉ có hoàn cảnh khó khăn, trong đó đã trợ giúp được 668.598 địa chỉ (đạt tỷ lệ 76,8%) với tổng giá trị trợ giúp hơn 1,9 nghìn tỷ đồng. Trong số này, gần 7% địa chỉ do lãnh đạo cấp ủy, chính quyền hoặc Chủ tịch danh dự tham gia hỗ trợ; 17,6% do cán bộ, hội viên của Hội hỗ trợ; hơn 75% do Hội vận động các tổ chức, cá nhân, đoàn thể khác hỗ trợ. Một số tỉnh, thành Hội đạt kết quả vận động cao gồm Thái Bình, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Kiên Giang, Bắc Giang, Bình Phước, Khánh Hòa, Tiền Giang và Quảng Ninh.
Phát triển nhiều mô hình nhân đạo sáng tạo và phù hợp với nhu cầu thực tế của cộng đồng
Những mô hình này không chỉ đáp ứng nhu cầu của đối tượng thụ hưởng mà còn thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức và cá nhân hảo tâm.
Mô hình Ngân hàng bò, sau một thời gian triển khai, đã được mở rộng thành Mô hình phát triển sinh kế bền vững, hỗ trợ đa dạng các loại con giống phù hợp với điều kiện địa phương và khả năng của hộ hưởng lợi. Hình thức hỗ trợ linh hoạt, bao gồm “Ngân hàng”, cho vay hoặc cấp vốn một lần, đáp ứng mong đợi của nhà tài trợ và nhu cầu của người dân.
Mô hình Bếp ăn tình thương và Xây nhà Chữ thập đỏ đã trở thành biểu tượng của Hội, thể hiện rõ màu cờ, sắc áo và tạo sự gắn kết với cộng đồng. Những mô hình này được Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cùng các Hội quốc gia đánh giá cao. Đặc biệt, các mô hình bếp ăn tình thương, đội khám chữa bệnh lưu động và xe cứu thương từ các tỉnh thành phía Nam như An Giang, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Trà Vinh đã lan tỏa và được áp dụng hiệu quả tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Đến nay, tất cả các tỉnh, thành Hội đều duy trì từ 5 đến 7 mô hình công tác xã hội nhân đạo, tạo nền tảng vững chắc cho các phong trào và cuộc vận động. Cụ thể, trong 5 năm triển khai Cuộc vận động, mô hình sinh kế bền vững đã hỗ trợ 62.719 hộ với tổng trị giá trên 256 tỷ đồng; Mô hình xây Nhà Chữ thập đỏ xây dựng 15.922 căn nhà với tổng trị giá 624 tỷ đồng; Mô hình bếp ăn tình thương phát triển 373 bếp ăn, cung cấp hơn 20 triệu suất ăn miễn phí, trị giá hơn 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, chương trình Tiếp bước em đến trường với các mô hình như Nuôi heo đất, Góp đồng tiền lẻ đã hỗ trợ gần 100.000 học sinh nghèo, trị giá hơn 90 tỷ đồng; Mô hình Hũ gạo tình thương phát triển ở 14 tỉnh thành với 24 hũ gạo, trị giá hơn 16,2 tỷ đồng; Mô hình “Liên gia đình giúp một gia đình” trợ giúp hơn 30.000 lượt người khó khăn với tổng số tiền hơn 80 tỷ đồng, giúp gần 8.000 hộ nghèo và người khuyết tật vay vốn chăn nuôi, sản xuất.
Những kết quả trên khẳng định sự nỗ lực và sáng tạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc triển khai các mô hình nhân đạo, góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội và phát triển cộng đồng.
Hiền Lê