Quảng Ninh: Nâng mức chuẩn nghèo đa chiều

Xóa đói giảm nghèo

12:09 12/04/2023

(LĐXH) - Ngày 30/3/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025.

Quảng Ninh: Nâng mức chuẩn nghèo đa chiều - Ảnh 1.

Quang cảnh kỳ họp thứ mười ba Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023 về “nâng cao chất lượng đời sống người dân”, nhất là nhóm đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo để mỗi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Theo đó, Nghị quyết quy định về các tiêu chí đo lường đa chiều, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025. Áp dụng cho hộ gia đình thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia công tác giảm nghèo và an sinh xã hội.

Tiêu chí đo lường đa chiều giai đoạn 2023-2025 trong đó, tiêu chí thu nhập ở khu vực thành thị là 2.600.000 đồng/người/tháng và khu vực nông thôn là 2.100.000 đồng/người/tháng. Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt đều áp dụng theo quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.

Chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2023-2025: Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.600.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên. Chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.100.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên.

Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nghị quyết này được ngân sách tỉnh hỗ trợ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội, hỗ trợ vay vốn như người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ và của Tỉnh. Trường hợp các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, của tỉnh Quảng Ninh ban hành có cùng nội dung quy định thì đối tượng chỉ được hưởng hỗ trợ theo quy định có mức hỗ trợ cao nhất.

Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 sẽ có hiệu lực kể từ 10/4/2023. Bãi bỏ, Nghị quyết số 202/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh Quảng Ninh quy định về việc nâng mức tiêu chí về thu nhập đối với chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí.

Với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh còn 258 hộ nghèo, chiếm 0,067%; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm 0,635% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Quảng Ninh hoàn thành trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, tỉnh không có huyện nghèo, xã nghèo; riêng thành phố Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; thị xã Quảng Yên, huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.

Tuy nhiên,  qua công tác phúc tra tại các huyện, thị xã, thành phố cho thấy vẫn còn nhiều hộ dân có hoàn cảnh thật sự khó khăn, thu nhập gần sát với chuẩn nghèo của Trung ương nhưng kết quả chấm điểm các tiêu chí theo quy định thì chưa đủ điều kiện để đưa vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đặc biệt, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hương, nhiệm vụ năm 2023 phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không tái nghèo, phát sinh hộ nghèo. Vì vậy, xây dựng chuẩn nghèo riêng của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 theo hướng cao hơn mức chuẩn nghèo quy định của Trung ương phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh là cần thiết nhằm tiếp tục kế thừa, phát triển chủ trương, chính sách giảm nghèo nhất quán của tỉnh trong thời gian qua. Mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh sẽ giúp mở rộng diện bao phủ đối với những người khó khăn, yếu thế; đồng thời góp phần cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận dân cư trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp phần vào việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội của tỉnh, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh đã đề ra./.

Nguyễn Hiền

Bài viết liên quan

Danh mục khác