Sàng lọc phát hiện lao sớm - Chìa khóa trong phòng chống bệnh lao

Sự kiện nổi bật

10:24 27/10/2023

Hiện nay, phần lớn người dân khi có triệu chứng của bệnh lao thường không đi kiểm tra mà để vào giai đoạn muộn, sức khỏe suy kiệt mới đi viện, lúc này phát hiện lao đã ở thể nặng.

Không nên tự mua thuốc điều trị

Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Điều đáng nói là, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, phần lớn là người nghèo, điều này cũng đồng nghĩa với muôn vàn khó khăn, thách thức để có thể xóa căn bệnh này khỏi cộng đồng vào năm 2035. Việc đầu tư để chấm dứt được bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Vì điều kiện kinh tế nên nhiều người mắc bệnh nhưng không chịu đi khám mà tự  mua kháng sinh về uống nhưng không đỡ nên đi khám và được các bác sĩ chẩn đoán bị lao phổi và lao kháng thuốc. Với tình trạng lao kháng thuốc, theo phác đồ điều trị của bác sĩ, bà phải điều trị lâu dài mới có thể khỏi bệnh.

Lao kháng thuốc là một thể bệnh nguy hiểm, xảy ra khi vi khuẩn lao kháng với một hoặc nhiều thuốc lao cùng lúc khiến cho việc điều trị trở nên phức tạp và kéo dài hơn rất nhiều, có thể lên đến 24 tháng. Lao kháng thuốc khiến việc điều trị tốn kém hơn rất nhiều lần; tỉ lệ khỏi bệnh chỉ khoảng 50 - 70% trong tổng số người mắc và có nguy cơ tử vong cao.

Nguyên nhân mắc lao kháng thuốc có thể đến từ việc bệnh nhân không tuân thủ theo đúng phác đồ, khi thấy đỡ đã tự ý dừng thuốc hay điều trị ở những nơi không đủ chuyên môn dẫn đến uống thuốc kém chất lượng, sai phác đồ. Có trường hợp bệnh nhân là người chưa từng mắc lao, nhưng ngay ở lần đầu tiên đã nhiễm lao kháng thuốc do sống ở môi trường có sẵn vi khuẩn lao kháng thuốc.

Khi người mắc lao điều trị không tốt sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng, tiếp theo sẽ dẫn tới đa kháng thuốc và nặng nhất là siêu kháng thuốc.

Ngăn ngừa lây bệnh lao trong cộng đồng

Để hỗ trợ cho người dân tại các khu vực vùng sâu vùng xa được khám sàng lọc bệnh lao, năm 2022 Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) hỗ trợ các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông sàng lọc và điều trị bệnh nhân lao ngoài cộng đồng. Ngoài ra, SCDI cũng đã hỗ trợ bệnh nhân nghèo mua thẻ Bảo hiểm y tế để họ yên tâm điều trị, nâng cao ý thức trong nhận biết và phòng chống bệnh lao; ngăn ngừa sớm nguồn lây trong cộng đồng.

Sàng lọc lao chủ động
Sàng lọc lao chủ động

Tại những tỉnh này, thay vì đợi những người có triệu chứng đến cơ sở y tế khám, chiến lược mới tập trung sàng lọc trên nhóm có nguy cơ cao. Những người có kết quả dương tính với lao sẽ được hỗ trợ đưa vào chương trình điều trị. Người nhà, người tiếp xúc gần với họ sẽ được chỉ định để xét nghiệm lao tiềm ẩn. Ai có lao tiềm ẩn cũng sẽ được thu dung vào điều trị tại tổ lao quận/huyện hoặc bệnh viện. Những người có hình ảnh X-quang bất thường sẽ tiếp tục được theo dõi trong 15 ngày sắp tới.

Năm 2022, tại 3 tỉnh (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông), SCDI đã thực hiện sàng lọc cho tổng số 16.637 người, phát hiện 112 ca lao hoạt động, chuyển gửi vào điều trị 112 ca, phát hiện 84 ca lao tiềm ẩn, chuyển gửi vào điều trị 70 ca.

Trong 9 tháng năm 2023, SCDI tiếp tục thực hiện sàng lọc lao chủ động cho 18.959 người dân tại 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Phát  hiện 163 ca lao hoạt động, chuyển gửi vào điều trị 128 ca, phát hiện 292 ca lao tiềm ẩn, chuyển gửi vào điều trị 195 ca.

Với việc sàng lọc trên nhóm nguy cơ cao có vai trò rất quan trọng vì đã phát hiện những người mắc lao, có lao tiềm ẩn trong cộng đồng. Bên cạnh đó, SCDI đã huy động, kết nối, củng cố và nâng cao năng lực của mạng lưới Cộng đồng Chấm dứt bệnh lao (CSET - Community System to TB) và thúc đẩy sự tham gia của mạng lưới trong công tác ứng phó với bệnh lao tại các tỉnh, thành thực hiện dự án.

Vấn đề chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nói chung và chấm dứt bệnh lao ở vùng đồng bào dân tộc khó khăn nói riêng nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao rất cần sự vào cuộc của các tổ chức, xã hội để công tác phòng chống lao đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Bác sĩ tư vấn cho người dân Gia Lai sau khi được chụp X quang
Bác sĩ tư vấn cho người dân Gia Lai sau khi được chụp X quang

Để thực hiện được những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống lao quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn Chương trình chống lao quốc gia cần tăng cường vận động để nhận được sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hỗ trợ công tác phòng, chống lao, thể hiện qua việc cụ thể hóa và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nói chung về khám chữa bệnh và văn bản riêng về công tác phòng, chống lao. “Cần có các chiến dịch, chương trình truyền thông, huy động cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống lao, nâng cao nhận thức của người dân, giảm mặc cảm, kỳ thị bệnh lao; vận động đầu tư đa nguồn cho công tác phòng, chống lao bao gồm ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, tài trợ quốc tế, bảo hiểm y tế, xã hội hoá…”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

PV

Bài viết liên quan