Từ “con nghiện” trở thành “doanh nhân tâm tài”

Từ một “con nghiện” gây nỗi khiếp sợ cho cả vùng đã trở thành một doanh nhân thành đạt, giàu lòng nhân ái, được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng bằng khen, rồi vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộn...

   Từ một “con nghiện” gây nỗi khiếp sợ cho cả vùng đã trở thành một doanh nhân thành đạt, giàu lòng nhân ái, được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng bằng khen, rồi vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Câu chuyện hoàn lương của cậu em vợ tôi là Lê Trung Tuấn, ở thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đang gieo niềm tin và niềm hy vọng cho những ai trót sa ngã…

Lạc lối

 

Lê Trung Tuấn sinh năm 1977, là con út trong một gia đình có ba chị em. Vợ tôi là con cả, công tác trong quân đội. Bố vợ tôi cũng là cán bộ quân đội, mẹ vợ tôi là Chủ nhiệm Khoa Sản của Bệnh viện huyện Duy Tiên. Tuổi thơ của Tuấn luôn nhận được sự thương yêu, chăm sóc của những thành viên trong gia đình. Trong thời gian đất nước vừa đi qua cuộc chiến tranh còn muôn vàn khó khăn, bố mẹ phải tằn tiện, chắt chiu từng đồng lương của thời bao cấp, vậy mà Tuấn vẫn luôn được ăn ngon, mặc đẹp. Chính sự chiều chuộng quá mức của những người thân trong gia đình đã dẫn đến việc “lạc lối” ngay sau khi rời mái trường phổ thông.

Hồi ấy, sau khi trúng tuyển vào trường Cao đẳng Quản trị kinh doanh thuộc Ban Vật giá Chính phủ ở Như Quỳnh, Hưng Yên (nay là trường Đại học Tài chính -Quản trị kinh doanh thuộc Bộ Tài chính), Tuấn đã bị một số đối tượng xấu rủ rê cho “vào đời” bằng ma túy. Sau này, khi đã cai nghiện thành công, Tuấn mới thổ lộ với tôi rằng, thủ đoạn của những đối tượng này rất tinh vi. Biết em được gia đình chiều chuộng, chúng lân la đến làm quen. Ban đầu là mời ăn uống, sau đó là mời dùng thử thuốc phiện: “Mày muốn học suốt đêm không buồn ngủ, dùng thử một tý”; “Mày muốn không cần ăn vẫn khỏe như hổ, dùng thử một tý”; “Mày cứ làm thử một tý thôi, mày sẽ được lên tiên, không thể nghiện được đâu”… Tuấn dùng thử, đúng là có cảm giác “lên tiên” thật. Sau đó liều lượng dùng tăng dần và Tuấn nghiện lúc nào không hay. Lúc đó “nhóm bạn” mới đòi nợ của những lần “chiêu đãi” trước… Thế là tiền xin từ gia đình cứ tăng dần, nào là tiền học thêm, học nhóm, tiền đi thực tế… Rồi đến lượt xe máy, đồ đạc “chẳng may bị mất” liên tục. Gia đình ban đầu cứ tưởng Tuấn chi tiền cho việc học thật và việc mất tài sản là có thật. Thế nhưng, khi thấy số tiền chi tiêu hằng tháng quá cao và “bị mất” nhiều quá, vợ chồng tôi đã đến trường và chứng kiến cảnh Tuấn nghiện ngập. Nhà trường lúc ấy cũng đã có quyết định cho “con nghiện” nghỉ học. Thế là Tuấn quyết định “đi làm”, thực tế là đi kiếm tiền để thỏa mãn cơn nghiện. Xin tiền của người thân không được, Tuấn xoay sang trộm cắp của bố, mẹ, anh, chị. Mọi người lương thiện trông thấy Tuấn đều lánh xa. Gia đình nào thấy Tuấn đi qua cũng đều cảnh giác. Biết chuyện, bố vợ tôi (lúc đó đã nghỉ hưu) gần như suy sụp hẳn. Với bản lĩnh và kinh nghiệm hơn ba chục năm làm công tác cơ yếu trong quân đội, ông quyết tâm vực lại con mình bằng cách cho cai nghiện tại nhà. ông dùng dây xích sắt, xích chân Tuấn lại. Thế nhưng, đám bạn nghiện vẫn không buông tha và việc cai nghiện tại nhà không thành công. Từ hút thuốc phiện, Tuấn đã chuyển sang hít hê -rô-in rồi chích ma túy. Cậu sinh viên đạt giải thanh lịch ngày nào đã không còn nữa mà thay vào đó là tấm thân tiều tụy chi chít vết chích ma túy.

Được gia đình động viên, tôi và anh Mai Nam Thắng (nay là Đại tá, Trưởng phòng Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần) đã đưa Tuấn vào trại cai nghiện ở Hòa Bình và sau sáu tháng ở trại, Tuấn đã là con người hoàn toàn khác. Không những không còn nghiện ma túy mà Tuấn còn học được nghề sửa chữa xe máy.

Lập nghiệp từ 650 nghìn đồng tiền vốn

Trở về từ trại cai nghiện khi trong tay chỉ vẻn vẹn có 650 nghìn đồng, là số tiền mà Trung tâm cai nghiện Hòa Bình trả tiền công lao động trong thời kỳ ở trại và học được nghề sửa chữa xe máy, Tuấn vay thêm của vợ chồng tôi một triệu đồng mua đồ nghề và tìm những chiếc xe cũ, nát mang về sửa rồi bán lại cho người sử dụng. Ban đầu chỉ làm một mình, sau khi thấy nhu cầu của thị trường lớn, Tuấn thuê thêm nhân công, rồi “chuyên môn hóa” thành các tổ đi mua xe, tổ sửa chữa, tổ bán xe… Cứ như vậy, sau 4 năm, từ 650 nghìn tiền vốn ban đầu, Tuấn đã có trong tay hàng trăm triệu đồng và điều quan trọng là Tuấn đã đoạt tuyệt hẳn với ma túy, sức khỏe cũng tăng dần. Từ “con nghiện” gầy trơ xương, Tuấn đã nặng tới gần một tạ và có thêm biệt danh mới là “Tuấn béo”. Năm 2005, Tuấn và vợ quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân Tuấn Bằng (ghép tên hai vợ chồng) với hơn 30 nhân công. Trong số đó có cả những người đã từng nghiện ma túy và cai nghiện thành công. Không chỉ buôn bán, sửa chữa xe máy, doanh nghiệp tư nhân Tuấn Bằng còn mở rộng sang lĩnh vực ô tô. Đến cuối năm 2010, Tuấn thành lập Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Về Nguồn có trụ sở tại Hà Nội, kinh doanh chủ yếu là dịch vụ du lịch và vận tải. Với chữ tín làm trọng, sau một năm hoạt động, Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Về Nguồn đã có vị trí nhất định trên thương trường. Năm 2011, Tuấn mở thêm các chi nhánh ở các địa phương, trong đó kiêm nhiệm Giám đốc chi nhánh Hưng Yên (tên gọi doanh nghiệp là Công ty Về Nguồn Hưng Yên) với thương hiệu xe taxi Về Nguồn và xe ô tô chở khách chất lượng cao Về Nguồn.

Từ nguồn vốn khởi nghiệp 650 nghìn đồng, đến nay vốn tự có của Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Về Nguồn đã lên đến vài chục tỷ đồng. Công ty và các chi nhánh của công ty đã giải quyết được việc làm cho hơn 200 lao động. Trong đó phần lớn lao động là con em các đối tượng chính sách. Đặc biệt, trong số lao động của công ty có cả những người đã từng nghiện ma túy và cai nghiện thành công như Tuấn.

“Mỗi bước chân một tấm lòng”

Tại lễ ra mắt Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Về Nguồn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lê Trung Tuấn đã phát biểu: Có lẽ không có nơi nào trên trái đất này phải chịu nhiều đau thương mất mát do chiến tranh gây ra như đất nước ta. Biết bao anh hùng liệt sĩ không tiếc máu xương, hy sinh thân mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc và chủ quyền quốc gia, để hôm nay chúng ta được hưởng cuộc sống hòa bình và hạnh phúc. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn qủa nhớ người trồng cây” đã trở thành truyền thống tốt đẹp, lương tâm, trách nhiệm của chúng ta với thế hệ đi trước. Chính vì lẽ đó, Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Về Nguồn ra đời với tôn chỉ mục đích kinh doanh có hiệu quả, đúng pháp luật và làm được nhiều việc tình nghĩa để góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Khẩu hiệu của công ty là “Hãy hành động để xoa dịu nỗi đau chiến tranh”.

Tất cả các xe taxi và xe ô tô của Về Nguồn đều có dòng chữ “Mỗi bước chân một tấm lòng”. Tuấn giải thích với tôi: Đó là tấm lòng với những người đã có công với nước.

Làm kinh tế, có lợi nhuận, Tuấn có thêm điều kiện tham gia các hoạt động tình nghĩa. Hơn hai năm qua, Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Về Nguồn đã giúp các gia đình đi tìm và đưa hài cốt liệt sĩ hy sinh ở khắp các chiến trường trở về yên nghỉ ở quê nhà. Với thành tích này, Lê Trung Tuấn đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng bằng khen. Công ty cũng đã tổ chức hàng chục chuyến đi thăm hỏi tặng nhà tình nghĩa, tặng quà các gia đình liệt sĩ, thương binh, giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt miền Trung, đồng bào vùng cao biên giới Hà Giang. Công ty Về Nguồn cũng đã tổ chức cho cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sĩ thăm lại chiến trường xưa; tham gia chương trình “Đại lễ cầu siêu, tri ân và lưu danh liệt sĩ” đã hy sinh trong 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972; tham gia chương trình “Lời ru đồng đội” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh…

Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, trong hai năm qua, Tuấn và Công ty Về Nguồn Hưng Yên đã tặng 4 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 5 triệu đồng cho 4 gia đình liệt sĩ khó khăn đặc biệt; tặng hai mươi suất trợ cấp hằng tháng cho các cháu nạn nhân chất độc da cam /đi-ô-xin bằng 72 triệu đồng /năm; tham gia tặng quà các gia đình chính sách nhân các ngày lễ, Tết… Đặc biệt, để bày tỏ lòng tri ân với các Anh hùng, liệt sĩ, nhân dịp kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh Hưng Yên, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Về Nguồn đã đề xuất ý tưởng với thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên xin được làm cuốn sách “Anh hùng liệt sĩ tỉnh Hưng Yên” để lưu danh hơn 22.000 anh hùng liệt sĩ trong tỉnh đã hy sinh anh dũng trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm thời đại Hồ Chí Minh. Mới đây, cuốn sách đã được hoàn thành với độ chính xác cao.

Năm nay “Tuấn béo” bước sang tuổi 36 và vừa mới được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhìn cung cách làm ăn của Tuấn, ít người nghĩ rằng, hơn chục năm trước anh đã từng là “con nghiện”. Tuấn nói với tôi khá nhiều dự định sắp tới của mình, ngoài việc tiếp tục kinh doanh, Tuấn sẽ tiếp tục tham gia tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ, làm thêm nhiều việc tình nghĩa. Tuấn còn ấp ủ tổ chức trại cai nghiện ma túy và lấy mình làm gương cho các học viên.

               ĐỖ PHÚ THỌ

            Theo qdnd.vn

 

Bài viết liên quan

Danh mục khác