“Vua” bống tượng

Đó là cách gọi mà nhiều nông dân tỉnh Cà Mau dành cho ông Huỳnh Văn Hận, người đầu tiên tạo nên phong trào nuôi cá bống tượng trong ao ở Tân Thành – một xã vùng ven của thành phố Cà Mau. Ảnh khai thác...

 

Đó là cách gọi mà nhiều nông dân tỉnh Cà Mau dành cho ông Huỳnh Văn Hận, người đầu tiên tạo nên phong trào nuôi cá bống tượng trong ao ở Tân Thành – một xã vùng ven của thành phố Cà Mau.

“Vua” bống tượng
Ảnh khai thác.

 

 

Hơn chục năm nay, trại cá của ông Huỳnh Văn Hận là điểm đến tham quan học tập của những bà con nuôi cá bống tượng không chỉ ở xã Tân Thành, mà còn ở những địa phương khác trong và ngoài tỉnh Cà Mau. Hai năm nay, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm hợp tác xã Tân Thành Tiến, tổ chức hợp tác của bà con nuôi thủy sản xã Tân Thành, thành phố Cà Mau. Cái tên “Chín Hận”, “Chín bống tượng” cũng ra đời từ đó.

Nói về ông Huỳnh Văn Hận, ông Nguyễn Thành Phương, xã Tân Thành, TP.Cà Mau cho biết: “Anh Chín Hận thường họp bà con rút kinh nghiệm sản xuất, trao đổi về kết quả nuôi đạt hiệu quả hơn trước. Nuôi cá bống tượng cứ 1ha, trừ chi phí còn lời khoảng 200 triệu đồng mỗi năm”.
Sống trên vùng đất chịu ảnh hưởng mặn, 20 năm trước, ông Huỳnh Văn Hận đã chọn nuôi bống tượng – loài cá có thể phát triển được trong nước ngọt lẫn nước lợ. Biệt danh “Vua bống tượng” có từ khi ông đem kinh nghiệm của mình phổ biến lại cho nhiều bà con khác.
Theo kinh nghiệm của ông Huỳnh Văn Hận, bà con ở xã Tân Thành đều dùng cá rô phi làm thức ăn nuôi cá bống tượng, nhờ đó luôn bảo đảm thức ăn tươi cho cá nuôi. Đa số nuôi từ nguồn cá giống thu gom trong tự nhiên, với cỡ cá ban đầu lớn trên 100gr, nhờ chăm nuôi tốt đạt cá thương phẩm trên 500gr, với thời gian nuôi bình quân từ 7 đến 9 tháng. Sản phẩm của bà con được thương lái mua chuyển đi TP.HCM ngay trong ngày, từ đó cá sống được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hong Kong, Singapore. Giá thu mua cá bống tượng tại Cà Mau hiện nay hơn 400 ngàn đồng/kg. Nhờ nuôi thủy đặc sản mà “Vua” cá bống tượng Huỳnh Văn Hận từ chỗ thuê ao, đến nay đã có 3ha để đào ao nuôi cá.
Điều đáng quý là khi đã thành công với nghề nuôi cá bống tượng, ông không giữ kinh nghiệm để làm giàu riêng cho mình, mà sẵn sàng tư vấn cho nhiều bà con khác. Không chỉ trong hợp tác xã của ông, mà còn hướng dẫn tận tình cho nhiều người nuôi cá bống tượng ở các địa phương.
Được hỏi bí quyết thành công, ông Nguyễn Văn Hận chia sẻ: “Giúp nhiều người khác nuôi thành công cũng là cách tạo thương hiệu cho cá bống tượng Cà Mau. Ngoài ra, giúp người chính là tự giúp mình có thêm kinh nghiệm áp dụng thực tiễn từ những nơi khác để vận dụng nuôi ở ao nhà hiệu quả hơn”.
Với nhiệt tình đóng góp của ông Huỳnh Văn Hận, nghề nuôi cá bống tượng ngày càng có thu nhập cao, được nhiều nông dân quan tâm đầu tư, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Bài viết liên quan

Danh mục khác