Suốt mấy ngày nay, ngập tràn trên các trang mạng xã hội là lời kêu gọi, quyên góp ủng hộ, sẻ chia với những đau thương, mất mát ở Tây Bắc.
1 tuần đã trôi qua, kể từ khi Tây Bắc xảy ra cơn “đại hồng thủy”; nước dâng cao, lũ ống, lũ quét ập về, khiến chỉ trong tích tắc, gần bốn chục người bị chết và mất tích. Sau lũ, là cảnh tan hoang, tiêu điều, những ánh mắt đỏ hoe, gương mặt thất thần của bà con bị mất nhà cửa, tài sản, người thân, cuộc sống đối mặt với muôn vàn khốn khó.
Tây Bắc chưa bao giờ ảm đạm thế, song Tây Bắc chưa bao giờ trở nên thân thương thế, khi suốt những ngày qua, từng đoàn, từng đoàn người từ các đơn vị, tổ chức, đoàn thể, nhóm dân cư….ở khắp các địa phương đều hướng về đây, sẻ chia những khó khăn, mất mát với bà con, nhân lên tình người trong cơn hoạn nạn.
|
Thiên tai đã làm cho bà con sống trong cảnh lầm than |
Suốt mấy ngày nay, ngập tràn trên các trang mạng xã hội là lời kêu gọi, vận động quyên góp ủng hộ, sẻ chia với những đau thương, mất mát tại các vùng rốn lũ ở Tây Bắc, như Mường La (Sơn La), Mù Cang Chải (Yên Bái), Điện Biên, Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên)…
Thực tế là suốt mấy ngày qua, đã có hàng trăm đoàn công tác của trung ương và nhiều địa phương mang mì tôm, gạo, quần áo, tiền, cùng những đồ dùng thiết yếu về các xã, bản, đến tận các hộ dân bị ảnh hưởng để thăm hỏi, sẻ chia.
Người trao, người nhận tuy không quen biết, mỗi người một vùng quê, một dân tộc, song, trước những đau thương, mất mát bởi thiên tai tàn phá, khiến hàng chục người chết và mất tích, hàng trăm gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất khi bị mất nhà cửa, tài sản phải làm lán ở tạm, mỗi người đều thấy như thể chính mình bị đau, bị mất mát. “Thương người như thể thương thân”, “Tương thân tương ái”, tinh thần tốt đẹp ấy của dân tộc Việt một lần nữa được phát huy cao độ.
Chị Nguyễn Thúy Mai, tình nguyện viên đoàn tình nguyện đến từ Hà Nội chia sẻ: “Khi nghe tin Mường La bị lũ cuốn trôi, tôi rất xót xa. Khi được vào đây, giúp đỡ được một phần nhỏ bé cho người dân ở đây, tôi cảm thấy vui hơn”.
Một cây làm chẳng nên non, nhưng mỗi người ủng hộ một chút, một chút, từ những hiện vật như quần áo, những tấm chăn ấm áp, đến sự ủng hộ bằng tiền, cứ thế, tình người trong hoạn nạn được nhân lên.
Anh Cà Văn Uẩn, dân tộc Thái ở bản Huổi Liếng, xã Nậm Păm, huyện Mường La, Sơn La có vợ và 2 con bị chết trong cơn lũ dữ. Mất hết người thân chỉ trong phút chốc, anh chẳng thiết sống nữa. Được chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể thăm hỏi, động viên, ủng hộ bằng cả vật chất và tinh thần, anh đã vượt qua nỗi đau để tiếp tục vượt lên.
Thống kê đến hôm nay, tại các tỉnh Tây Bắc, trọng tâm là 2 tỉnh bị thiệt hại nặng là Yên Bái, Sơn La đã có gần 400 đoàn đến thăm hỏi, trao tiền và hiện vật quyên góp ủng hộ, với số tiền trên 10 tỷ đồng, 37 tấn gạo, trên 4.300 thùng mì tôm, hàng nghìn bao tải quần áo cùng nhiều vật dụng sinh hoạt khác.
Nhiều Bộ, ngành, địa phương ủng hộ số tiền lớn, như Bộ Tài Nguyên và Môi hỗ trợ huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái 600 triệu đồng để xử lý môi trường; Ban chỉ đạo Tây Bắc hỗ trợ đồng bào vùng lũ Sơn La 100 triệu đồng; tỉnh Lào Cai 500 triệu đồng; Tổng Công ty hàng hải Việt Nam tài trợ 3 tỷ đồng để xây dựng mới trạm y tế xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La sau trận lũ quét…
Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Trong khó khăn thế này càng thấy được tình cảm của các ngành các cấp từ Chính phủ đến các Bộ, ngành trung ương, các cơ quan đoàn thể trong và ngoài tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là lực lượng vũ trang luôn đồng hành chia sẻ và cũng hỗ trợ chúng tôi để khắc phục sự cố đặc biệt nghiêm trọng này.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Yên Bái, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn trân trọng đến Chính phủ, các bộ ngành, các cơ quan ban ngành của Trung ương, của các địa phương bạn, các lực lượng vũ trang và bà con nhân dân, cùng các doanh nghiệp đã đồng hành cùng chúng tôi vượt qua khó khăn này”.
Được biết, các Bộ, ngành và nhiều địa phương trong cả nước hiện vẫn đang tiếp tục phát động các đợt quyên góp, ủng hộ đối với đồng bào vùng lũ Tây Bắc. Sự sẻ chia của dòng chảy nhân ái, dòng chảy nghĩa tình của cả nước hướng về Tây Bắc thực sự mang ý nghĩa lớn, giúp đồng bào vùng lũ Tây Bắc thêm ấm lòng, từng bước khắc phục khó khăn vươn lên ổn định đời sống./.
(Nguồn vov.vn)