Ấm nồng bếp ăn từ thiện ở Tuy Phước

Năm năm qua, dù còn nhiều khó khăn, bếp ăn từ thiện tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định do Câu lạc bộ người tình nguyện Chữ thập đỏ huyện Tuy Phước (CLB) tổ chức vẫn thường xuyên...

 

Năm năm qua, dù còn nhiều khó khăn, bếp ăn từ thiện tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định do Câu lạc bộ người tình nguyện Chữ thập đỏ huyện Tuy Phước (CLB) tổ chức vẫn thường xuyên “đỏ lửa” mỗi ngày, làm ấm lòng nhiều bệnh nhân nghèo. Đây cũng là bếp ăn từ thiện duy nhất trong tỉnh duy trì được 2 bữa ăn trong ngày cho người bệnh nghèo.

Giữ bếp đỏ lửa

Tháng 8/2008, bếp cháo từ thiện tại TTYT huyện Tuy Phước được CLB tình nguyện sáng lập và hình thành giữa bao khó khăn với 1 bữa cháo sáng/tuần. 4 tháng sau, bếp từ thiện nhận được sự hỗ trợ đầu tiên. Một nhà hảo tâm ở Tp. Hồ Chí Minh, thông qua sự giới thiệu của bạn bè, đã tài trợ cho bếp 600 ngàn đồng/tháng và duy trì trong 1 năm. Chưa giải quyết được nỗi lo kinh phí để duy trì bếp, nhưng các thành viên Câu lạc bộ vẫn quyết định tổ chức 2 bữa cháo/tuần cho bệnh nhân ở Trung tâm.

Tháng 4/2009, Câu lạc bộ đã có sáng kiên tổ chức chương trình văn nghệ “Nhịp cầu nhân ái” để gây quỹ cho bếp, huy động được 10 triệu đồng. Những nỗ lực của các thành viên trong việc duy trì bữa cháo sáng và vận động tài trợ đã được cộng đồng chú ý. Được nhiều người quan tâm tìm đến, đồng thuận đóng góp, số bữa cháo sáng cho bệnh nhân nghèo tiếp tục được nâng lên 5 bữa/tuần, chất lượng cũng được tốt hơn. Hoạt động của Câu lạc bộ tình nguyện Hội Chữ thập đỏ huyện Tuy Phước luôn được UBND huyện động viên tạo mọi điều kiện giúp đỡ và hỗ trợ thêm tiền để mua xoong, nồi, các vật dụng khác để phục vụ những bữa ăn cho bệnh nhân nghèo..

Sau trận lũ lịch sử vào tháng 11/2009, Câu lạc bộ đã tham gia vận động hỗ trợ cho nạn nhân vùng lũ của huyện 1.000 suất cơm cùng mì tôm, gạo, nước uống… Hoạt động ý nghĩa này khẳng định được uy tín, tinh thần vì cộng đồng của Câu lạc bộ. Sau gần 2 năm, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và các nhà hảo tâm, bếp ăn do Câu lạc bộ quản lý đã tổ chức 2 bữa ăn/5 ngày/tuần; gồm bữa cháo mặn buổi sáng, cơm buổi trưa và duy trì đến hôm nay. Mới đây, bếp tiếp tục nhận được 10 triệu đồng và 1 tấn gạo của Công ty đệm Vạn Thành (TP Hồ Chí Minh); 10 triệu đồng và 1 năm sử dụng dầu ăn từ chương trình Bếp yêu thương do Đài truyền hình Tp.Hồ Chí Minh tài trợ.

Ngoài sự động viên, hỗ trợ của lãnh đạo địa phương, của các nhà hảo tâm, những tình nguyện viên của CLB đang ngày ngày làm nên sự phát triển của bếp ăn từ thiện ở TTYT huyện. Sắp xếp xong công việc gia đình, cơ quan, họ lại tất bật đến từng nhà, chợ, doanh nghiệp để vận động hỗ trợ cho bếp. Người góp củi, người góp rau, góp gạo, góp tiền… Cứ thế, bếp ăn từ thiện vẫn đỏ lửa từ 3 giờ sáng đến tận trưa để mang đến những phần cơm, chia bớt một phần khó khăn cho bệnh nhân. Để rồi, thấm thía ý nghĩa của những bữa cơm ấy, ngày ra viện, nhiều bệnh nhân và người nhà của họ không quên lời cảm ơn, hay góp thêm 1 vài cân gạo, 1 vài bó rau và một ít nước mắm cho bếp ăn.

Nhân rộng mô hình

Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã dạy “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ“. Trong quá trình triển khai Dự án do Hội Chữ thập đỏ Na Uy tài trợ như: Hỗ trợ về nâng cao năng lực cán bộ Hội và hiện nay đã và đang tài trợ Dự án “Giảm nhẹ rủi ro thảm họa (DRR)”, Hội Chữ thập đỏ Bình Định đã có dịp chia sẻ với tỉnh bạn về mô hình, kinh nghiệm tổ chức bếp ăn từ thiện. Bà Quang Cẩm Thu, Phó Chủ nhiệm CLB người tình nguyện Chữ thập đỏ huyện Tuy Phước, cho biết: “Để duy trì hoạt động của bếp ăn nói riêng và CLB nói chung, chúng tôi chú trọng mối quan hệ của 4 bên: Sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ Nauy, nhà quản lý, người tài trợ và người được hưởng lợi. “Ăn trái nhớ người trồng cây”, chúng tôi vô cùng cảm ơn từ những ngày đầu Hội Chữ thập đỏ Nauy đã giúp đỡ chúng tôi về cơ sở vật chất để từ đó chúng tôi xây dựng được một bếp ăn đúng nghĩa là phục vụ cho bệnh nhân nghèo. Đối với người làm công tác quản lý cần phải công khai, minh bạch các khoản vận động, có kế hoạch duy trì và phát triển tốt nhất cho bếp ăn. Đối với nhà tài trợ, phải giữ uy tín, tường xuyên chia sẻ thông tin, giữ mối quan hệ. Với người cần giúp đỡ thì chúng tôi đến tận nơi để trực tiếp khảo sát, hỗ trợ…”

Đến thăm và chia sẻ kinh nghiệm với Chữ thập đỏ Bình Định lần này có các tỉnh Hội Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa và Hưng Yên. Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: “Chúng tôi muốn tổ chức mô hình bếp ăn từ thiện tại địa phương một cách hiệu quả, qua chuyến thăm này tại Tuy Phước, chúng tôi đã có cơ hội được tiếp cận và tìm hiểu kỹ cách làm rất hay để có thể áp dụng tại địa phương”.

Theo ông Phạm Tích Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, địa phương luôn quan tâm đến hoạt động của bếp ăn từ thiện do CLB tình nguyện viên phụ trách. Chính quyền sẽ kêu gọi thêm sự hỗ trợ về gạo, củi từ phía cán bộ công nhân viên chức để tiếp tục duy trì hoạt động có ý nghĩa nhân đạo này.

Bếp ăn từ thiện huyện Tuy Phước là bếp ăn tiêu biểu của tỉnh trước hết bởi các thành viên của CLB người tình nguyện Chữ thập đỏ huyện đều rất tâm huyết và đoàn kết. CLB cũng tạo được uy tín trong cộng đồng nên công tác vận động, kêu gọi hỗ trợ rất tốt. Sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo địa phương cũng là yếu tố quan trọng giúp bếp ăn được duy trì, phát triển”.Ông Ngô Vĩnh Khương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã một lần nữa khẳng định như vậy.

Nguyễn Muội – Trang Xuân Chi (Theo redcross.org.vn)

Bài viết liên quan

Danh mục khác