Tính đến hết tháng 3/2021, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 16,03 triệu người, đạt tỷ lệ 90,9% chỉ tiêu phấn đấu Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao; số người còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu là 1,6 triệu người.
Số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,051 triệu người, giảm 85,4 nghìn người so với tháng 1/2021, giảm 77,2 nghìn người so cuối năm 2020; đạt 60,8% chỉ tiêu phấn đấu bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Đáng chú ý nhiều tỉnh, thành phố có số đối tượng giảm so với năm 2020.
Dịch COVID-19 với diễn biến phức tạp, kéo dài đã tiếp tục tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động; đồng thời, gây ra những khó khăn không nhỏ cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH trong năm 2021, đặc biệt là công tác phát triển người tham gia bảo BHXH, BHYT.
Bên cạnh nguyên nhân phát triển mới, diện bao phủ BHXH dưới mức tiềm năng còn do số lượng người đề nghị hưởng BHXH một lần tăng mạnh trong thời gian gần đây. Số liệu thống kê cho thấy số người đang tham gia bảo hiểm xã hội rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội trước tuổi nghỉ hưu là khá lớn.
Trong giai đoạn 2012 - 2020, nếu như năm 2016 có hơn 600.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì đến năm 2020 có 880.000 người ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội vì hưởng một lần, trong khi năm 2020 cả nước chỉ có khoảng hơn 1 triệu người tham gia vào hệ thống BHXH. Như vậy, số người vào hệ thống và số người ra khỏi hệ thống là gần như bằng nhau.
Phát triển, mở rộng phạm vi bao phủ của BHXH là mục tiêu trước mắt và lâu dài để hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người lao động. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đặt ra các mục tiêu, đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; đến năm 2025, con số này tăng lên 45% và đến năm 2030 là 60%.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, quá trình thực tiễn thực hiện Luật bảo hiểm xã hội đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Phát triển đối tượng BHXH còn dưới mức tiềm năng, còn nhiều đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa tham gia. Số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ bảo hiểm xã hội tăng chậm. Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cẩn phải sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, hướng tới một chính sách hoàn thiện, bảo đảm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi người dân.
Giải pháp trước mắt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là với những người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo sẽ tạo điều kiện giúp họ có đủ khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần hoàn thiện mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, để mọi người dân đều được tham gia vào mạng lưới an sinh và có chính sách bảo hiểm xã hội chia sẻ, bảo đảm cuộc sống khi về già.
Bên cạnh đó, ngành bảo hiểm xã hội cũng sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia gồm: đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng bảo hiểm xã hội; phối hợp các bộ, ngành triển khai chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2021; thực hiện thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam phê duyệt; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị có dấu hiệu nợ đọng, lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Minh Đức