Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8 Chấn chỉnh bất cập ở các dự án giao thông BOT; nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: TRẦN HẢI Ngày 30-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Cùng dự có Chủ tịch ...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: TRẦN HẢI

Ngày 30-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, sự cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN), nhân dân cả nước thời gian qua trong việc thực hiện nghiêm các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội năm 2017, trong đó nhiều chỉ tiêu quan trọng dự kiến đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.

Thủ tướng yêu cầu trong những tháng cuối năm, các cấp, ngành, nhất là các bộ, ngành trực tiếp đóng góp vào tăng trưởng, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) rà soát lại các chỉ tiêu, không chủ quan, phấn đấu đạt mức tăng trưởng đề ra. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính đánh giá lại kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển năm nay, trên cơ sở đó đề ra mục tiêu giải pháp cụ thể, trong đó coi trọng bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại, nâng cao chất lượng nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Ðầu tư nghiên cứu, rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện báo cáo đánh giá tình hình kinh tế – xã hội năm 2017 và năm 2018, trình Chính phủ xem xét. Các chỉ tiêu đưa ra phải có cơ sở vững chắc, nhìn bao quát toàn cục 5 năm 2016-2020 mà Nghị quyết Trung ương đặt ra. Bộ Tài chính tiếp thu, rà soát các chỉ tiêu về thu chi ngân sách, bảo đảm cân đối tài chính; quyết liệt chống thất thu, gian lận thuế, nợ đọng thuế; khuyến khích nuôi dưỡng nguồn thu nhất là DN nhỏ và vừa, chuyển mạnh số hộ thuế khoán sang kê khai thuế, giảm mạnh chi thường xuyên, tiết kiệm chi ngân sách; tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm hội họp, đi nước ngoài, lễ lạt không cần thiết… để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh kỷ luật tài khóa theo hướng công khai minh bạch; hoàn thiện kế hoạch phân bổ ngân sách T.Ư chính xác, minh bạch.

Thủ tướng nêu rõ, hiện nay vẫn còn tình trạng thủ tục hành chính rườm rà, gây cản trở, khó khăn cho người dân và DN, vẫn còn một bộ phận cơ quan công quyền gây khó dễ cho DN, người dân. Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, phải thúc đẩy cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính các cấp, tạo thông thoáng cho DN và người dân, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục giảm lãi suất cho vay, từ nay đến cuối năm giảm tiếp 0,5% bằng các biện pháp nhằm tiết giảm chi phí, bảo đảm tăng trưởng tín dụng; xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tín dụng; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn ODA. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phân bổ vốn kịp thời hơn; thanh tra công vụ đối với đơn vị phân bổ vốn đầu tư công. Thực hiện nghiêm kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Từng ngành, địa phương đề xuất các giải pháp cụ thể trong đẩy mạnh tốc độ giải ngân. Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Về các dự án giao thông BOT gây bức xúc dư luận thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, phương thức thực hiện dự án hiện nay còn nhiều bất cập trong các khâu đấu thầu, phê duyệt tổng dự toán, mức thu phí…, nhất là khoảng cách giữa các trạm quá ngắn, giá thu phí quá cao. Vấn đề này, đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị và tới đây, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm phí BOT để giảm phí cho DN. Vì thế, Thủ tướng giao Bộ trưởng Giao thông vận tải phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát các dự án giao thông BOT, các trạm thu phí bất hợp lý, gây bức xúc đối với người dân để tích cực xử lý những bất cập, có giải pháp điều chỉnh phù hợp; tiếp tục mở ra các hình thức đầu tư phù hợp, tăng cường thu hút nguồn lực vào đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Thủ tướng nhấn mạnh phải nỗ lực khắc phục tình trạng có quá nhiều loại phí vận tải với mức phí quá cao để giảm bớt khó khăn cho DN; xử lý nghiêm các tiêu cực; chống lợi ích nhóm trong các dự án BOT.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, nhất là ngành tài chính năm nay chưa đề cập các loại thuế, phí gây ảnh hưởng DN, người dân. Việc nghiên cứu tăng một số loại thuế phí cần có lộ trình, thận trọng, tính toán cụ thể các tác động đối với mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội; rà soát lại để tăng cường siết chặt việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước là đất đai, trụ sở; các cơ quan nhà nước được xây trụ sở mới thì phải trả lại trụ sở cũ.

Bộ Công thương rà soát tình hình thực hiện một số hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác, báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ; tiếp tục xúc tiến các FTA mới; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch; chống buôn lậu, gian lận thương mại, giảm nhập siêu; không để thị trường tiêu dùng trong nước rơi vào các tập đoàn nước ngoài; đề ra hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp các cam kết và thông lệ quốc tế; tiếp tục phát triển thị trường trong nước; khuyến khích tiêu dùng nội địa. Về vấn đề này, NHNN cần có chính sách tín dụng hợp lý để thúc đẩy thị trường tiêu dùng.

Thủ tướng cũng chỉ đạo tăng cường thực hiện cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN, xử lý các DNNN, công trình/dự án thua lỗ. Thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp tại các địa bàn trọng điểm. Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) chú trọng phòng, chống thiên tai, bảo đảm mức tăng trưởng, nhất là đạt chỉ tiêu xuất khẩu nông sản 33 đến 34 tỷ USD; phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng phải bảo đảm hiệu quả; chú ý chấn chỉnh tình trạng phân bón giả, kém chất lượng. Thủ tướng giao Bộ NN và PTNT làm đầu mối chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề phân bón; Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ NN và PTNT tổ chức bảo đảm làm tốt công tác phòng, chống lụt bão; tăng cường năng lực và hiệu quả công tác dự báo thiên tai. Bộ Y tế cùng TP Hà Nội làm tốt công tác dập dịch sốt xuất huyết; chấn chỉnh việc nhập khẩu, mua thuốc, khâu đấu thầu thuốc; kiểm soát giá thuốc. Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức tốt năm học mới, nhất là ở các vùng thiên tai, không để xảy ra tình trạng lạm thu; tăng cường tinh giản bộ máy hành chính, nhất là ở đơn vị sự nghiệp công…

Ðiều tra, xử lý nghiêm vụ VN Pharma

Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Liên quan vụ việc VN Pharma, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng thông báo, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thanh tra, xử lý nghiêm; yêu cầu thanh tra làm rõ việc cấp phép nhập khẩu, đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế; bảo đảm minh bạch, công khai. Việc thanh tra không chỉ tiến hành riêng đối với lô thuốc trị bệnh ung thư nhập khẩu trong vụ VN Pharma mà cả các loại thuốc khác. Quan điểm Thủ tướng Chính phủ là cương quyết điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh bất cứ cá nhân, bất cứ sai phạm nào, không có bất cứ “vùng cấm” nào trong vụ việc này.

Ðại diện Bộ Y tế tại cuộc họp báo khẳng định, Bộ đã xử lý các cá nhân sai phạm; đồng thời lô thuốc chữa ung thư kém chất lượng H-Capita đã được ngăn chặn kịp thời, đến thời điểm này, không có bất cứ một viên thuốc H-Capita nào được đưa vào sử dụng. Cũng theo đại diện Bộ Y tế, vụ việc VN Pharma cho thấy, các đối tượng đã làm giả hồ sơ hết sức tinh vi, do đó, cần kiến nghị trong hội đồng xét duyệt hồ sơ đăng ký thuốc có thêm các chuyên gia giỏi nghiệp vụ giám định, thẩm tra hồ sơ (con dấu, chữ viết…).

Ðánh giá thận trọng dự án mỏ sắt Thạch Khê

Về dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, quan điểm của Chính phủ đối với việc có triển khai dự án hay không phải dựa trên đánh giá của cơ quan tư vấn độc lập, sau đó báo cáo Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Trong khi đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, sau khi đã nghiên cứu kỹ mọi vấn đề, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị dừng triển khai mỏ sắt Thạch Khê vì các lý do: lo ngại năng lực nhà đầu tư, tác động môi trường, thị trường tiêu thụ, giao thông vận tải. Thậm chí, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư đã có lần trực tiếp thị sát hiện trường dự án và bày tỏ quan ngại nếu dự án này được triển khai.

Ðầu tư xây dựng sân bay Long Thành đúng quy định

Về đề nghị của Tập đoàn Geleximco liên kết với một số tập đoàn của Trung Quốc muốn đầu tư xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành, Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng sân bay phải bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định của Nhà nước. Mọi quy định lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng phải dựa trên tiêu chí về năng lực, tiến độ, giá thành, chất lượng…

(Nguồn nhandan.org.vn)

Bài viết liên quan

Danh mục khác