Mình thèm cuộc sống thường ngày ở thành phố nhỏ Bắc Ninh, thèm những ngày cuối tuần được đi chợ, được dạo bộ trong công viên với các con nhỏ. Những thứ bình thường, dung dị như vậy thôi, mà sao giờ cảm thấy xa xỉ quá.
Bệnh viện Quân y 110 của mình đóng trên địa bàn TP Bắc Ninh. Khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại, nhiều ca bệnh ở Bắc Ninh được công bố trên các phương tiện truyền thông, mẹ liên tục gọi điện thoại hỏi xem mình đi làm thế nào, hai đứa nhỏ ra sao, rồi thúc giục nếu mình không đưa con về được, mẹ sẽ nói với bố lên đón. Nghĩ đến công việc mình liên tục về khuya, chồng cũng là bộ đội công tác ở xa, hai con nhỏ ở nhà phải gửi hàng xóm, rồi tự chơi với nhau; rồi bản thân mình lại có nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh nhiều, có thể bị nhiễm bất cứ lúc nào, không khéo lại khổ các con. Mình muốn bố mẹ giúp lắm. Nhưng mình còn do dự, đắn đo...
Như đoán được suy nghĩ của con, mẹ giục bố lên đón các cháu. Thường ngày mình hay khắc khẩu với mẹ, nhưng đúng mẹ là “gà mẹ”, bản năng bảo vệ cho con luôn trỗi dậy rất mạnh mẽ để giải cứu con, cháu trong tình huống này. Mình biết ơn vì điều đó. Vậy là mình có thể yên tâm để tiếp tục công việc vì hai con có ông bà chăm sóc.
Chuyện gia đình là thế, rồi đến chuyện ở cơ quan. Khoa Xét nghiệm của mình đang ngập trong việc. Anh chị em làm việc muộn không theo giờ giấc thường ngày, vì mẫu bệnh phẩm về nhiều, về liên tục, muốn xử lý cho xong mới ra nghỉ, nên có những buổi ăn cơm rất muộn. Ban đầu gọi người giao cơm đến, mặc dù mệt phờ, nhìn cơm cũng thấy ngán, song anh chị em vẫn cố gắng ăn cho xong bữa để còn sức “chiến đấu” tiếp. Nhưng về sau, thành phố Bắc Ninh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, anh chị em không biết làm thế nào, chẳng lẽ hằng ngày ăn mì gói? Thật may, vợ của anh đồng nghiệp xung phong nấu cơm. Cả nhóm được ăn cơm nóng hổi hằng ngày, có không khí gia đình nên dù không về nhà, mọi người vẫn cảm giác được bữa cơm nhà với xiết bao tình cảm.
“Chiến đấu chống giặc Covid-19” làm mình có cảm giác như “chiến tranh” đang xảy ra. Tất cả đơn vị, các đồng nghiệp, đồng đội của mình đều trong trạng thái như thời chiến. Có những ngày nhóm cùng nhau làm việc xuyên đêm, hôm sau mệt rã rời, nhưng mẫu bệnh phẩm về nhiều nên vẫn phải gắng gượng để hoàn thành. Thế nhưng vẫn liên tục có những cuộc điện thoại yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, bởi liên quan đến công việc khác của đồng đội, của những khâu sau... Dịch lan nhanh nên yêu cầu tăng tốc trở thành nỗi ám ảnh của những người làm công tác xét nghiệm. Cả nhóm cảm thấy như sắp kiệt sức. Đúng vào thời điểm này, thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã điều động các đơn vị quân y từ đơn vị bạn về hỗ trợ. Được tiếp thêm nguồn năng lượng mới, ai nấy đều phấn chấn, mình cũng đỡ mệt hơn.
Mấy hôm nay mình nhận được rất nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm, cùng những lời bạn bè, người thân nhắn tin trên Zalo, Facebook động viên, rồi những chia sẻ, lời cảm ơn từ tận đáy lòng. Có bác viết: “Cố lên cháu gái, cả nước đang trông chờ vào các cháu-người chiến sĩ áo trắng ngày đêm tận tình cứu sống và bảo vệ nhân dân trong giai đoạn khó khăn này. Cố lên, quyết chiến thắng dịch cháu nhé”... Chỉ đọc thế thôi mà nước mắt mình cứ tự nhiên chảy xuống dù đã cố kìm nén cảm xúc. Hóa ra chúng mình không hề đơn độc trong phòng thí nghiệm với các mẫu bệnh phẩm vây xung quanh. Xung quanh mình, còn có đồng nghiệp, đồng đội, đằng sau mình còn có hai con nhỏ, người thân và rất nhiều những người dân trong vùng dịch đang trông mong vào mình. “Bác ơi, bác yên tâm nhé! Dù có mệt thế, hay mệt nhiều hơn nữa, chúng cháu sẽ luôn động viên nhau cùng cố gắng. Chúng cháu sẽ không để cho con virus quái ác hủy hoại cuộc sống này.”-Mình thầm tự nhủ như thế. Mình hiểu rằng, cộng đồng đang trông chờ vào mình và các đồng nghiệp. Điều đó còn lớn hơn những nỗi niềm riêng. Vì mình là bác sĩ Bộ đội Cụ Hồ, mình đang ở trên “trận tuyến” chống giặc Covid-19.
Thành phố Bắc Ninh vừa thành lập 1 điểm chốt liên ngành trên tuyến Quốc lộ 38 và 114 điểm chốt cấp phường, mình nghĩ đây là một biện pháp mạnh nhằm bảo đảm sự an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Mình tin, mọi chuyện rồi sẽ ổn!
Thiếu tá, Bác sĩ ĐẶNG THỊ HẰNG (Chủ nhiệm Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Quân y 110, Cục Hậu cần, Quân khu 1)