Cách ly y tế tập trung đối với các trường hợp F1 - những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 đã phát huy hiệu quả phòng, chống dịch. Tuy nhiên, với diễn biến dịch phức tạp như hiện nay, số trường hợp F1 phải cách ly tập trung lớn gây khó khăn, áp lực, thậm chí quá tải cho các cơ sở y tế và tốn kém chi phí, ngân sách. Bộ Y tế đã có hướng dẫn để các địa phương đang có dịch COVID-19 có thể bố trí cách ly các trường hợp F1 tại nhà. Có thể nói, đây là một chủ trương phù hợp, cần thiết trong giai đoạn mới, nhưng cũng cần thực hiện thận trọng với mục tiêu cao nhất: sức khỏe của người dân là trên hết.
Trong đợt dịch lần thứ tư, dịch đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo Bộ Y tế, tính đến 12h ngày 7/7, Việt Nam có tổng cộng 20.459 ca ghi nhận trong nước và 1.882 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 18.889 ca, trong đó có 5.303 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe là 243.769; trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 2.597 ca, cách ly tập trung tại cơ sở khác 55.407 ca, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 185.765 ca.
Với diễn biến dịch phức tạp như vậy đang gây ra những áp lực cho cơ sở y tế không chỉ trong việc điều trị mà cả trong cách ly y tế tập trung với những trường hợp F1.
Trong những lần kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số địa phương như: Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Yên… Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chỉ ra một số nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Đó là, trong các phòng cách ly bố trí vị trí giường xếp chưa đảm bảo khoảng cách; có sự tiếp xúc giữa các công dân cách ly ở các phòng khác nhau khi sử dụng chung nhà tắm, nhà vệ sinh tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, phải quán triệt đến từng người cách ly, yêu cầu ai ở phòng nào thì ở tại phòng ấy, không được giao lưu và hàng ngày phải tự vệ sinh phòng ở, bật quạt, mở cửa thông thoáng.
Cũng theo thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, giảm tải cho các cơ sở cách ly y tế tập trung, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia đã bàn về phương án cách ly F1 tại nhà.
Trao đổi với một số quận, huyện thị xã trên địa bàn Hà Nội, nơi đã và đang từng có bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 và phải đưa hàng trăm người F1 đi cách ly tập trung về thông tin trên đều cho rằng, chủ trương cách ly tại nhà là cần thiết nhưng cần triển khai thận trọng và trách nhiệm.
Lãnh đạo huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, địa phương chưa triển khai cách ly y tế tại nhà đối với trường hợp F1. Tuy nhiên, huyện có đủ điều kiện để triển khai việc này vì hiện nay nhiều gia đình xây dựng được nhà to, có phòng ở riêng, vệ sinh khép kín, đủ điều kiện cách ly y tế tại nhà. Cùng với đó, mô hình “cách ly 3 lớp” triển khai ở huyện đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Do đó, khi được sự cho phép của cấp có thẩm quyền về cách ly trường hợp F1 tại nhà, huyện sẽ thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm.
Còn đại diện lãnh đạo huyện Gia Lâm (Hà Nội) bày tỏ, nếu trường hợp cho phép và yêu cầu cách ly y tế tại nhà, địa phương sẽ kích hoạt tối đa Tổ COVID-19 cộng đồng, giúp cho việc cách ly y tế tại nhà đối với những trường hợp F1 được hiệu quả.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, chính quyền địa phương sẽ quyết định trường hợp nào phải cách ly tập trung và trường hợp nào cách ly tại nhà. Vì, qua điều tra, truy vết địa phương sẽ biết F1 nào tiếp xúc quá gần với F0 và có nguy cơ cao (do ở cùng phòng, không đeo khẩu trang khi tiếp xúc - pv) sẽ phải cách ly tập trung; còn những F1 không tiếp xúc trực tiếp, có đeo khẩu trang, có thể được cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện cách ly theo quy định.
Thực tế đã chứng minh, tại thôn Bằng Công, xã Kiên Thành (Lục Ngạn, Bắc Giang) đã thí điểm cách ly 3 F1 nguy cơ lây nhiễm cao và 116 F2 tại nhà thành công khi có đủ các điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch.
Cách mà địa phương này triển khai là, gia đình có người F1 phải viết cam kết thực hiện cách ly tại nhà và đề nghị Tổ COVID-19 cộng đồng thôn khóa trái cổng của gia đình. Hằng ngày, Tổ COVID-19 cộng đồng thôn Bằng Công phân công thành viên đến các hộ cách ly tại nhà để hướng dẫn đo thân nhiệt, nắm bắt tình hình sức khỏe, nhắc nhở mọi người chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch, đồng thời giúp mua sắm đồ dùng thiết yếu để hỗ trợ.
Qua theo dõi thời gian cách ly theo quy định của Bộ Y tế, các hộ dân trên có sức khỏe bình thường, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Lục Ngạn nhận thấy cách làm của thôn Bằng Công bước đầu phát huy tác dụng và góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tập trung của địa phương.
Theo một số chuyên gia y tế, để triển khai đạt hiệu quả việc cách ly y tế tại nhà trên, thực tiễn còn phải xem xét tới nhiều yếu tố. Ngoài điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu cách ly của từng gia đình, năng lực quản lý của chính quyền địa phương là rất quan trọng, thể hiện qua việc: Chính quyền địa phương có đảm bảo đủ nhân lực, vật lực để tham gia theo dõi, giám sát nghiêm các đối tượng F1 cách ly tại nhà? Bản thân các đối tượng F1 có ý thức chấp hành các quy định của Bộ Y tế về cách ly tại nhà hay không? Sẽ áp dụng chế tài như thế nào để xử lý các trường hợp vi phạm? Thời điểm dịch đang bùng phát mang chủng gì?...
Các chuyên gia y tế cũng đưa ra khuyến cáo, trong thời gian cách ly, F1 phải tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế, cập nhật sức khoẻ thường xuyên, không tiếp xúc với người trong nhà (trừ trường hợp trẻ nhỏ và người già cần người chăm sóc), không dùng điều hòa trung tâm, thường xuyên lau khử khuẩn trong phòng…
Trước việc một số địa phương thí điểm cách ly y tế tại nhà, theo Phó Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, trên cơ sở đánh giá thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương nhìn nhận, việc cách ly F1 tại nhà có một số thuận lợi cho địa phương cũng như chính người cách ly, trong đó có việc giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung của địa phương. Tuy nhiên, việc cách ly đối với trường hợp F1 tại nhà phải đáp ứng điều kiện đã đề ra và vai trò giám sát các ca F1 của chính quyền địa phương sẽ rất quan trọng.
Thực tế trên thế giới đã chứng minh, cách ly y tế tại nhà với các trường hợp F1 hoàn toàn phù hợp với xu hướng phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay. Đơn cử tại Đức, Pháp và các nước châu Á khác: Singapore, Nhật Bản… các F1 và F0 (có biểu hiện nhẹ) được phép cách ly tại nhà sẽ giúp giảm tải cho hệ thống y tế, nhường chỗ cho những ca bệnh ở mức độ nặng. Song, các nước trên cũng quy định rất nghiêm, nếu người dân không tuân thủ các quy định sẽ chịu các hình thức xử phạt khá nặng, thậm chí có quốc gia còn áp dụng hình phạt tù giam nếu vi phạm lệnh cách ly.
Mạnh Khánh (TTXVN)