Đồ uống có cồn bất hợp pháp - mối đe dọa với sức khỏe người tiêu dùng

Y tế và sức khỏe

09:40 11/01/2023

Vừa qua, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Tiểu ban Rượu vang & Rượu mạnh thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tổ chức Tọa đàm “Đồ uống có cồn bất hợp pháp-Thực trạng và giải pháp”.

Đồ uống có cồn bất hợp pháp - mối đe dọa với sức khỏe người tiêu dùng  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA phát biểu tại tọa đàm.

Tọa đàm nhằm cập nhật thực trạng liên quan tới khu vực đồ uống có cồn bất hợp pháp, song song với đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực do khu vực này gây ra.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết: Đồ uống có cồn bất hợp pháp là sản phẩm được sản xuất và tiêu thụ không tuân thủ các quy định của pháp luật, nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý, bao gồm: Sản phẩm được mang vào một quốc gia bất hợp pháp (buôn lậu); Sản phẩm giả, nhái; Sản phẩm trốn thuế, và Sản phẩm sản xuất thủ công nhằm mục đích thương mại nhưng không đăng ký.

Các sản phẩm đồ uống có cồn bất hợp pháp không đảm bảo những tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đạo đức kinh doanh... là mối đe dọa với sức khỏe người tiêu dùng, gây thất thu lớn ngân sách nhà nước và nhiều hệ lụy khác cho xã hội và môi trường kinh doanh. Tình trạng đó cản trở tiến trình đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, cũng như các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030 hướng tới sự thịnh vượng và phát triển kinh tế xã hội.

Đồ uống có cồn phi chính thức và bất hợp pháp luôn là vấn đề nhức nhối. Ở Việt Nam lượng rượu phi chính thức nằm ngoài sự quản lý của nhà nước chiếm tới 63% tổng khối lượng lít cồn nguyên chất được tiêu thụ tại Việt Nam. Không chỉ tại Việt Nam, khu vực ASEAN cũng được dự báo là khu vực có mức tiêu thụ rượu bia không kiểm soát tăng cao vào năm 2025.

"Với xu hướng tiêu thụ vô cùng lớn như vậy, các sản phẩm phi chính thức sẽ gây ra nhiều tổn thất đáng kể về kinh tế, xã hội đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp, và cả ngân sách nhà nước", ông Việt nhấn mạnh.

Doanh nghiệp mong muốn các công cụ quản lý nhà nước, đặc biệt chính sách quản lý thị trường hay chính sách thuế đạt được các tiêu chí phù hợp, hiệu quả, công bằng, tạo điều kiện để doanh nghiệp chân chính phát triển bền vững.

Đồ uống có cồn bất hợp pháp - mối đe dọa với sức khỏe người tiêu dùng  - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dựu tọa đàm.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), mặc dù đã tăng cường công tác quản lý, song tình trạng rượu nhập lậu, rượu giả, rượu không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, do đó gây thất thu thuế cho Nhà nước, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chân chính và đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Lê cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc sản xuất, buôn bán đồ uống có cồn bất hợp pháp tồn tại do lợi nhuận cao mang lại. Cùng với đó, thói quen mua hàng khá dễ tính của người tiêu dùng như mua hàng không lấy hóa đơn, chứng từ, không kiểm tra tem, nhãn... đối với đồ uống có cồn.

Đặc biệt, vấn đề kiểm soát, công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng rượu, bia thủ công còn rất khó khăn do việc sản xuất rượu, bia thủ công đơn giản, nhất là mặt rượu thủ công được thực hiện chủ yếu tại các hộ gia đình (hầu hết ở khu vực nông thôn). Việc mua bán đối với mặt hàng này cũng được thực hiện một cách dễ dàng. Trong khi đó, nguyên nhân từ các vụ ngộ độc rượu lại chủ yếu đến từ việc sử dụng, lạm dụng mặt hàng này trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của một số doanh nghiệp sản xuất, chủ sở hữu quyền; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Để giải quyết hiệu quả những tồn tại, hạn chế trên, đại diện Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp, bao gồm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đặc biệt là các quy định quản lý đối với rượu sản xuất thủ công; tăng cường nguồn lực và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chú trọng vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương; và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật…

Ông Nguyễn Đức Lê đề xuất, UBND các cấp phải làm sao tuyên truyền đến xã phường, làm sao cho doanh nghiệp sản xuất đến người dân nắm được pháp luật cũng như điều cần biết khi mua đồ uống có cồn, mua sản phẩm chính hãng, có địa chỉ rõ ràng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu phải đổi mới chất lượng sản phẩm, mẫu mã và phải tự biết bảo vệ mình, nên áp dụng công nghệ tiên tiến truy suất nguồn gốc được.

MH

Bài viết liên quan

Danh mục khác