“Lò lửa” dịch bệnh COVID-19 tiếp tục “thiêu đốt” châu Á

Y tế và sức khỏe

10:32 24/05/2021

Tại một số nước châu Á, "lò lửa" dịch bệnh chưa lắng dịu, trong khi ở phương Tây, người dân phấn khởi khi nhiều thành phố được mở cửa trở lại.

Tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp tại châu Á

Nhờ chiến lược tiêm phòng hiệu quả, đại dịch COVID-19 đang có dấu hiệu lắng dịu ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nhiều nước lại đang phải chật vật chống dịch. Hơn 1 năm trước, khi dịch COVID-19 mới bùng phát, châu Âu và Mỹ là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, châu Á nhanh chóng thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly nên đường cong dịch bệnh tương đối được kiểm soát. Tuy nhiên, đến nay, tình thế đã bị đảo ngược. Số ca mắc mới tại châu Âu và Mỹ giảm dần trong khi nhiều quốc gia ở châu Á lại như đang "ngồi trên đống lửa". Hai thế giới COVID-19 được định hình rõ rệt.

Bangladesh, Ấn Độ hay Malaysia phải tiếp tục duy trì các quy tắc phòng dịch, thậm chí kéo dài lệnh giới nghiêm và phong tỏa vì dịch bệnh vẫn diễn biến căng thẳng. Quốc gia láng giềng của Việt Nam là Lào gia hạn áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc kể từ ngày 21/5 đến hết ngày 4/6. Đây là lần thứ 2 Lào gia hạn phong tỏa nhằm ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 mới tại nước này, khiến 15/18 tỉnh, thành phố có người mắc bệnh chỉ sau 1 tháng. Trong khi đó, chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia cũng quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm trong thành phố thêm 1 tuần, tới ngày 27/5.

Hàn Quốc và Sri Lanka ghi nhận thêm từ hàng trăm tới hàng nghìn ca mắc mới trong ngày 20/5. "Lò lửa" dịch bệnh tại châu Á dường như chưa đến đỉnh điểm.

 - Ảnh 1.

Nhiều nước châu Á đang phải chật vật chống dịch. (Ảnh: AP)

"Một thế giới khác" ở châu Âu

Đối nghịch với tình cảnh căng thẳng ở nhiều nước châu Á, không khí ở châu Âu đã thư thái hơn. Người dân Pháp đã vỡ òa niềm vui khi họ lại có thể ăn uống ngoài trời tại các quán cà phê, quán bar và nhà hàng phục vụ ngoài trời, cũng như đi thăm bảo tàng, đến rạp chiếu phim và nhà hát sau 6 tháng bị "trói chân".

Tại Vienna, thủ đô Áo, Thủ tướng Sebastian Kurz đã cùng với những người dân Áo thưởng thức bữa trưa ngoài trời tại một trong những khu vườn bia truyền thống nhất của thủ đô vào ngày 19/5 vừa qua, sau khi giới chức nước này cho phép mở cửa trở lại các nhà hàng và quán bar sau 6 tháng tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, quyết định nới lỏng này chỉ áp dụng đối với những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã hồi phục sau khi mắc căn bệnh này.

Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, từ chỗ từng là tâm dịch tại Mỹ, bang New York đã mở cửa trở lại hoàn toàn các hoạt động và người dân đã tiêm vaccine không phải đeo khẩu trang bắt buộc cũng như thực hiện giãn cách xã hội khi ra đường kể từ ngày 19/5.

 - Ảnh 2.

Người dân ở nhiều nước châu Âu phấn khởi khi được mở cửa trở lại. (Ảnh: AP)

Người dân Nhật Bản chia rẽ về Olympic Tokyo

Một bức tranh thế giới hai phần cũng có nghĩa là những hoạt động đông người dù là sự kiện quan trọng được đón nhận khá khác nhau, tùy thuộc nó diễn ra ở vùng nào. Liên tiếp từ tháng 6 đến đầu tháng 8, hai sự kiện thể thao lớn của thế giới là vòng chung kết bóng đá châu Âu Euro và Thế vận hội mùa hè Olympic Tokyo dự kiến sẽ diễn ra. Tuy nhiên, mức độ thoải mái hưởng thụ của người dân ở hai nơi với các sự kiện này là hoàn toàn khác nhau.

Kết quả cuộc thăm dò mới được hãng tin Kyodo đăng tải cho thấy, có đến gần 60% người dân Nhật Bản cho rằng nên hủy bỏ hoặc tiếp tục trì hoãn Olympic Tokyo. Con số tăng mạnh so với mức 39% của cuộc khảo sát hồi tháng 4. Ban tổ chức Olympic phải đối mặt với sức ép lớn từ dư luận trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục phức tạp ở Nhật Bản. Ngày càng có nhiều người băn khoăn, liệu Olympic sẽ đem lại niềm vui chiến thắng hay sẽ trở thành sự kiện siêu lây nhiễm, tăng thêm gánh nặng lên hệ thống y tế vốn đang căng thẳng tại Nhật Bản.

Đối mặt với nỗi lo COVID-19, Ban tổ chức Euro lại có một cái nhìn thực tế hơn, có lẽ cũng nhờ tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát tương đối nên giải đấu sẽ diễn ra. Tuy nhiên, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã nhấn mạnh, giờ đây, việc tổ chức một giải đấu an toàn là mục tiêu quan trọng nhất. Các khán đài có thể không được lấp đầy, không khí có thể kém náo nhiệt, nhưng khi dịch bệnh qua đi, chúng ta sẽ lại có cơ hội bùng nổ ở những giải đấu tiếp theo.

 - Ảnh 3.

Người dân Nhật Bản tuần hành phản đổi tổ chức Olympic Tokyo vào tháng 7. (Ảnh: AP)

Chứng nhận tiêm phòng vaccine COVID-19 giả tràn lan trên mạng

Những nước đã dần kiểm soát được dịch COVID-19 đang từng bước mở cửa lại biên giới và dự kiến thông qua công cụ chứng nhận tiêm phòng COVID-19. Hướng đi này có thể giúp người dân thỏa mãn mong muốn được thoát khỏi nửa dịch bệnh của thế giới để hòa nhập vào nửa không còn dịch bệnh. Chính vì sự hữu ích của chứng nhận tiêm phòng mà nhiều kẻ xấu đã và đang tạo ra một "chợ đen" của những chứng nhận tiêm phòng được rao bán trên mạng.

Chính quyền bang California (Mỹ) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng giấy chứng nhận tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 giả mạo đang được in ấn và rao bán trái phép trên mạng Internet. Trên nhiều trang mạng xã hội hoặc trang "web đen", giấy tờ chứng nhận tiêm vaccine được bán với giá chỉ hơn 10 USD (khoảng hơn 200.000 đồng) do những chứng nhận tiêm phòng thật được làm bằng giấy thông thường và tương đối dễ bị giả. Việc xuất hiện giấy chứng nhận giả đã có từ vài tháng trước và đến nay càng rầm rộ hơn. Chính những người phản đối việc tiêm vaccine đã đăng các bài viết trên các trang web và diễn đàn để hướng dẫn cách làm giấy chứng nhận giả.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, những giấy tờ giả kiểu này có thể đặc biệt nguy hiểm nếu cơ quan y tế các nước không phát hiện ra. Người mang thẻ có thể trở thành nguồn phát tán bệnh cho cả cộng đồng.


Bài viết liên quan

Danh mục khác