(Ảnh minh họa)Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Nam Định có 477.831 trẻ, chiếm 26 % dân số của tỉnh, trong đó có 4.884 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 32.279 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khác. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục (BVCSGD) trẻ em nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 535/QĐ-UBND ngày 09/03/2021 về việc phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030; 01 kế hoạch, 02 công văn chỉ đạo công tác BVCSGD trẻ em. Các Sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã ban hành nhiều văn bản theo chức năng của từng ngành để tổ chức thực hiện các hoạt động BVCSGD trẻ em. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã trực tiếp ban hành 30 văn bản các loại hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác BVCSGD trẻ em; Phối hợp các Sở, ngành, đoàn thể có liên quan ban hành các kế hoạch hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời thời thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thông qua giao ban và báo cáo định kỳ hoặc đột xuất.
Năm qua, Sở LĐTBXH đã phối hợp với các Sở, ngành tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền tại cộng đồng và trường học bảo vệ các quyền cơ bản cho trẻ em. Tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho nhóm đối tượng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa và trẻ em tàn tật, mở rộng thêm nhóm đối tượng trẻ em khác có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, đồng thời tăng cường hỗ trợ liên quan đến trợ cấp nuôi dưỡng, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khoẻ, qua đó giúp cho nhiều trẻ em có điều kiện hoà nhập cộng đồng. Tổ chức tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em nhằm giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng, góp phần bảo vệ trẻ em một cách toàn diện. Vận động các doanh nghiệp, các cấp và các tổ chức quốc tế hỗ trợ học bổng, quà cho trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo vượt khó học tốt, trẻ em có nguy cơ bỏ học, góp phần làm giảm tình trạng học sinh phải bỏ học…
Đặc biệt, thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, xác định trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các cấp ủy, chính quyền các cấp đều tập trung chỉ đạo rà soát, cập nhật tình hình tác động của dịch Covid-19 đến trẻ em; số lượng trẻ, nhu cầu cần hỗ trợ của trẻ em khi bố mẹ các em đang thực hiện cách ly tập trung và cách ly tại gia đình để kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành, các nhà trường trong tỉnh đã nỗ lực triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, các nhà trường đều đầu tư trang thiết bị y tế như: Máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, xà phòng, khẩu trang và duy trì thực hiện tổng vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo quy định; thường xuyên nhắc nhở học sinh, giáo viên thực hiện khuyến cáo “5K”.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tính đến cuối năm 2021, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt hỗ trợ 07 lao động ngừng việc với kinh phí 7 triệu đồng và hỗ trợ thêm 17 trẻ em dưới 06 tuổi là con người lao động với số tiền 17 triệu đồng ở các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc, Vụ Bản. Thực hiện chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ tiền ăn và trẻ em theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt hỗ trợ đối với 255 trường hợp F0, F1 với số tiền 335,7 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ thêm cho 90 trẻ em với số tiền 90 triệu đồng. Ngoài ra, tùy điều kiện thực tế, tại các khu cách ly có trẻ em, các ngành, đoàn thể và người dân luôn quan tâm, hỗ trợ cho các em bằng nhiều hình thức...
Bên cạnh đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp cũng tích cực vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ Quy để có thêm nguồn lực hỗ trợ lâu dài cho trẻ em. Trong năm 2021, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã vận động được gần 2,5 tỷ đồng, trong đó: Cấp tỉnh vận động được gần 2,4 tỷ đồng, cấp huyện, xã vận động được 100 triệu. Từ nguồn quỹ vận động được, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: Trao tặng 415 suất học bổng, 400 suất quà đồ dùng học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt, 01 bộ thiết bị vui chơi ngoài trời cho trường mầm non khó khăn; Triển khai Dự án hỗ trợ miễn phí sữa cho 322 trẻ em tiểu học giai đoạn 2017-2020 tại trường tiểu học; Tổ chức trao 374 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại 10 huyện, thành phố, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh và Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố nhân dịp Tết Trung thu; Tổ chức trao tặng 45 xe lăn cho trẻ em khuyết tật; 120 áo phao cho trẻ em khó khăn học bơi phòng, chống đuối nước; 130 xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Triển khai các hoạt động hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid19 tại các địa phương… Các ngành chức năng, các địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, các quỹ xã hội tổ chức các hoạt động chăm lo trẻ em; tăng cường các hoạt động tặng quà, thăm hỏi, hỗ trợ, trao học bổng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó...
Với sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội, năm 2021, 98% trẻ em khuyết tật trong toàn tỉnh được trợ giúp, chăm sóc bằng các hình thức khác nhau được phục hồi chức năng, được chú trọng trong giáo dục hòa nhập cộng đồng; không có trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị bóc lột, trẻ em di cư, lánh nạn, tị nạn; giảm số trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Bên cạnh đó, 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% các trạm y tế xã, thị trấn có nữ nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; Tỷ lệ trẻ em nhập học mẫu giáo đúng độ tuổi đạt 99,8%, tỷ lệ trẻ em nhập tiểu học đúng độ tuổi đạt 98,5%, tỷ lệ trẻ em nhập học trung học cơ sở đạt 99,5%.../.
Hưng Cảnh