Phát biểu tại các chương trình làm việc, Thiếu tướng Trần Đình Chung - Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT có xu hướng phức tạp và tinh vi hơn. Vì vậy, hai đơn vị Công an và BHXH các tỉnh cần tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp; phân cấp, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc rõ ràng hơn, đảm bảo có chuyển biến tích cực trong công tác phối hợp hơn nữa.
Đồng thời, cơ quan BHXH cần có thống kê chi tiết để nhận diện rõ hơn các hành vi vi phạm, qua đó giúp cơ quan Công an triển khai ngăn ngừa, xử lý tốt hơn các hành vi này. Riêng tại tỉnh Bắc Giang - địa bàn mà ngành công nghiệp đang phát triển mạnh, tập trung đông doanh nghiệp và công nhân nên cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa BHXH tỉnh và Công an tỉnh nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT.
“BHXH tỉnh và Công an tỉnh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, củng cố, hoàn thiện hồ sơ để xử lý điểm doanh nghiệp vi phạm; qua đó tăng tính răn đe, ngăn chặn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH”, Thiếu tướng Trần Đình Chung yêu cầu.
Phát biểu chỉ đạo tại các chương trình làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn đã ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh trong việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị, BHXH các tỉnh cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và nhất là ở khâu trao đổi, chia sẻ thông tin thường xuyên với Công an tỉnh để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi phí KCB BHYT; tích cực cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình thực hiện thu, chi, giải quyết chế độ nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người tham gia.
Trước đó, từ ngày 3 - 7/10, Đoàn công tác liên ngành Bộ Công an và BHXH Việt Nam cũng đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy chế số 01 trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, qua đó tập trung đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế thời gian qua.