Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa ban hành "Kết luận của Thường trực Thành ủy về tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố". Kết luận được đưa ra tại cuộc họp ngày 16/8 dưới sự chủ trì của ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.
Có thể còn F0 trong cộng đồng chưa bóc tách được hết
Kết luận nêu rõ, vì nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức cao và khó lường, việc xét nghiệm diện rộng và xét nghiệm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng vẫn ghi nhận thêm các ca mắc mới và nhận định có thể còn có các trường hợp F0 khác trong cộng đồng chưa được bóc tách hết; trong các khu phong tỏa vẫn xuất hiện nhiều F0 do truy vết không kịp hoặc thực hiện "chặt ngoài, lỏng trong".
Để giữ vững thành quả công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt không để dịch lan rộng, Thường trực Thành ủy cơ bản thống nhất với Báo cáo số 659-BC/BCSĐ ngày 16/8/2021 của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện nghiêm túc 7 nhiệm vụ.
Tiếp tục triển khai hiệu quả việc xét nghiệm diện rộng
Thường trực Thành ủy yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy ý chí quyết tâm, sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị và các lực lượng, các tầng lớp nhân dân, quyết liệt, chung sức đồng lòng thực hiện công tác phòng, chống dịch một cách thực chất, hiệu quả, sớm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Các lực lượng chức năng tiếp tục siết chặt việc người dân ra đường không có lý do chính đáng, hợp lý như đã nêu trong Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố.
Các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo tiếp tục bố trí, nâng cao hiệu quả thực chất của các chốt kiểm soát phòng, chống dịch ngay tại các ngõ, phố, thôn, xóm; phát huy tốt vai trò các tổ COVID-19 cộng đồng, các tổ phản ứng nhanh từ quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, kiểm soát chặt cả bên ngoài và bên trong, nhất là các khu vực có F0 đã phong tỏa, tránh tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong". Các nơi phong tỏa phải kiểm soát nghiêm, chặt hơn, bố trí lực lượng, phương tiện cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho từng gia đình, từng người dân để nhân dân yên tâm ở tại chỗ, không ra ngoài, phòng ngừa lây lan dịch trong khu phong tỏa.
Cũng theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội, phải tiếp tục triển khai hiệu quả việc xét nghiệm diện rộng, trong đó lưu ý việc xác định các khu vực nguy cơ cao bảo đảm chính xác, ưu tiên xét nghiệm các "vùng đỏ", các đối tượng nguy cơ cao như: Lực lượng tuyến đầu, người lao động tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa, vận tải, dịch vụ, công nhân lao động khu công nghiệp, chế xuất, giáo viên, học sinh, cán bộ, nhân viên các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm cai nghiện...
Triển khai tiêm vaccine bảo đảm khoa học, an toàn và đúng đối tượng
Nhận định các đợt tiêm vaccine vừa qua cơ bản bảo đảm đúng đối tượng, an toàn, Thường trực Thành ủy yêu cầu thời gian tới, tiếp tục triển khai và kiểm soát việc tiêm vaccine bảo đảm an toàn, đúng quy định; triển khai tiêm ngay khi có vaccine; nhất trí ưu tiên các đối tượng như: Lực lượng tuyến đầu, những trường hợp thuộc diện tiêm phòng vaccine mũi 2, người lao động tham gia chuỗi cung ứng, các dịch vụ, công nhân các khu công nghiệp, chế xuất, công nhân vệ sinh môi trường, nhân viên các nhà tang lễ, tài xế taxi được huy động phòng, chống dịch, nhân viên bán hàng tại các siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh, các dịch vụ thiết yếu, đối tượng làm việc tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao...
"Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố phân bổ vaccine, phê duyệt đối tượng tiêm trên địa bàn thành phố và trực tiếp kiểm tra, đồng thời, chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra việc triển khai tiêm vaccine tại các điểm tiêm chủng và các cơ sở y tế trung ương trên địa bàn, nghiêm cấm việc đưa người từ các địa phương khác về thành phố tiêm, bảo đảm khoa học, an toàn và đúng đối tượng", kết luận của Thường trực Thành ủy nêu rõ.
Chi trả chế độ hỗ trợ nhanh nhất cho người dân
Về bảo đảm an sinh xã hội, các cấp, các ngành phải khẩn trương triển khai thực hiện thật tốt các chủ trương, chính sách, quy định của trung ương và thành phố về hỗ trợ người dân; đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là người dân trong khu vực phong tỏa, công nhân trên các công trường, người lao động và sinh viên các tỉnh kẹt lại tại các khu nhà trọ và các ký túc xá trên địa bàn..., triển khai thủ tục thuận tiện như tinh thần tại Thông báo kết luận số 457-TB/TU ngày 12/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy để chi trả chế độ hỗ trợ nhanh nhất cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn, phát huy tính nhân văn trong chính sách của thành phố.
Cùng với việc thực hiện chính sách hỗ trợ của thành phố, Thường trực Thành ủy yêu cầu Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tích cực tuyên truyền, vận động để huy động người lao động và sinh viên các tỉnh đang kẹt lại trong các khu nhà trọ trên địa bàn đáp ứng được các yêu cầu tham gia công tác phòng, chống dịch cùng cộng đồng dân cư ngay tại cơ sở để bổ sung lực lượng.
Các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo khẩn trương bố trí, hoàn thiện trang thiết bị để bảo đảm vận hành ngay 100% khu cách ly tập trung; tiếp tục rà soát, trưng dụng các cơ sở bảo đảm điều kiện làm cơ sở điều trị và các điểm thu dung điều trị F0 nhẹ; bố trí bình oxy hoặc lắp đặt hệ thống cấp ô xy tại tất cả các cơ sở điều trị và các điểm thu dung điều trị F0 nhẹ đáp ứng yêu cầu điều trị của thành phố. Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố điều phối, phân luồng F0, F1 bảo đảm khoa học, an toàn nhằm nâng cao hiệu quả cách ly và điều trị.
Các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy theo Quyết định 1103-QĐ/TU cần kiểm tra kỹ lưỡng công tác phòng, chống dịch tại các địa bàn được phân công, nhất là các khu đang bị phong tỏa, các chung cư, các khu cách ly tập trung, các cơ sở điều trị và các điểm thu dung điều trị F0 thể nhẹ; việc kiểm soát, giám sát tại các chốt ngay từ cơ sở, kiểm soát các khu vực phong tỏa, việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, việc chấp hành quy định phòng, chống dịch của địa phương, đơn vị... Chỉ đạo rút kinh nghiệm kịp thời trong việc quản lý phong tỏa, truy vết dịch tễ để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.
Các lực lượng chức năng và đoàn kiểm tra của quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát, tuần tra, nhất là đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm...
PV (t/h)