Còn nhiều thách thức
Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2021, toàn quốc ước có 16,17 triệu người tham gia BHXH (đạt 32,49% lực lượng lao động). Trong đó có 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 1,17 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.
Thống kê đến hết năm 2020 cho thấy còn gần 32 triệu người trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH. Đáng lưu ý, chính sách BHXH tự nguyện cho lao động khu vực phi chính thức mới giới hạn ở 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, chưa thực sự hấp dẫn người lao động.
Còn chính sách BHXH bắt buộc cũng bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và khả năng tham gia như: chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành Hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.
Vì thế, mục tiêu đến năm 2025 đạt bao phủ BHXH khoảng 45%, và đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH được Giám đốc WB tại Việt Nam Carolyn Turk đánh giá là “một mục tiêu đầy khó khăn, thách thức".
BHXH Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực, sáng tạo hơn nữa các biện pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… để phát triển người tham gia BHXH
Về điều này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết 28-NQ/TW đã xác định rõ định hướng phát triển BHXH đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
“Biết rõ đây là chỉ tiêu rất cao, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đặt ra, và tin tưởng sẽ đạt được vì có cơ sở thực tiễn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu.
Để minh chứng, ông Dung phân tích, theo tính toán, Việt Nam còn khoảng 3 triệu người lao động chưa có BHXH, với gần 300 ngàn doanh nghiệp đang trốn đóng, chậm đóng BHXH. Thứ nữa, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) có quy định người lao động ký hợp đồng lao động từ 1 tháng - có cam kết lao động thì buộc phải đóng bảo hiểm; và tiến tới sẽ kết nối thuế. Thuế và BHXH phải liên kết với nhau…
Từ đó, ông Dung nhấn mạnh, nếu thực hiện 11 nhóm giải pháp cải cách BHXH như: giảm dần nhóm đóng BHXH, giảm số năm đóng BHXH, rồi mức độ tiền đóng có thể thấp hơn… thì đã tăng mạnh diện bao phủ BHXH rồi.
Đặc biệt, cần tập trung sâu hơn vào chính sách phát triển BHXH tự nguyện. Bởi, với cách làm sáng tạo, đột phá, BHXH tự nguyện trong 2 năm qua phát triển vượt bậc. Chỉ tính riêng trong năm 2019, sau khi Nghị quyết số 28 được triển khai, BHXH tự nguyện đã ghi nhận sự đột phá ấn tượng với số người tăng mới gần 300 nghìn người, bằng 10 năm trước cộng lại…
Bộ trưởng Dung khẳng định, nếu thực hiện tốt những vấn đề nêu trên, “tỷ lệ tham gia BHXH sẽ đạt mục tiêu đề ra”.
Giảm số năm đóng BHXH rất có lợi cho người lao động
Theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, sắp tới sẽ sửa Luật BHXH để có chính sách thông thoáng, cởi mở, đạt mục tiêu số người tham gia BHXH và để người dân về già có lương hưu.
Đánh giá về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách (BHXH Việt Nam) cho rằng, một nội dung đáng chú ý đó là đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu, theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15, hướng tới 10 năm để được hưởng chế độ hưu trí, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
“Theo quy định của Luật BHXH 2014, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí phải đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người lao động do có thời gian tham gia BHXH ngắn nên khi hết tuổi lao động, khi không thể làm việc có thu nhập thì không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Số liệu thống kê cho thấy số người đang tham gia BHXH rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu là khá lớn”, bà Hiền phân tích.
Đơn cử, năm 2016 có hơn 600.000 người ra khỏi hệ thống BHXH vì hưởng BHXH một lần thì đến năm 2020 con số này là 880.000. Trong khi, năm 2020 cả nước chỉ có khoảng hơn 1 triệu người tham gia vào hệ thống BHXH. Như vậy, số người vào hệ thống BHXH và số người ra khỏi hệ thống là gần như bằng nhau.
Bà Hiền cho rằng, điều này rất đáng suy nghĩ cho chính sách an sinh xã hội lâu dài và khó có thể thực hiện được mục tiêu BHXH toàn dân. Vì thế, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội thì chính sách cần sửa đổi điều kiện thuận lợi hơn để tạo cơ hội cho người lao động lớn tuổi được hưởng lương hưu.
“Việc đưa ra đề xuất theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí chính là để đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động mong muốn được đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, được hưởng chế độ hưu trí khi về già”, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, đề xuất giảm số năm đóng để hưởng chế độ hưu trí của Bộ LĐTB&XH là hợp lý, thực hiện đúng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. Nếu để đóng BHXH đến 20 năm người lao động mới được hưởng lương hưu thì quá dài và là lý do để người lao động chọn nhận BHXH một lần. Qua tham khảo, hiện nay, nhiều người lao động không có khả năng đóng đủ được thời gian dài như vậy.
“Đề xuất của Bộ LĐTB&XH rất có lợi cho người lao động. Tất nhiên, nếu đóng với thời gian ngắn hơn, người lao động phải chấp nhận hưởng mức lương hưu ít hơn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận định. Theo ông Lợi, việc giảm số lượng năm đóng BHXH xuống 15 năm, hướng tiếp giảm xuống 10 năm trong thời gian tới là đề xuất phù hợp với chính sách hưởng lương hưu sau độ tuổi nghỉ hưu của người lao động theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, là tăng tỉ lệ số lượng người lao động được hưởng lương hưu.
Huyền Thu