Những chiến sĩ thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

Y tế và sức khỏe

08:59 18/05/2021

Căng thẳng, áp lực với nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực, những chiến sĩ áo trắng thầm lặng vẫn đang gánh trách nhiệm khổng lồ trên đôi vai nhỏ bé. Có người đã ngã gục vì kiệt sức, có người đã ngủ thiếp ngay trên xe cứu thương. Nhưng họ vẫn lao vào cuộc chiến với một trái tim nhiệt huyết và với niềm tin hết dịch ta lại về.

Khi trường hợp ca bệnh Covid-19 không rõ nguồn lây từ nhân viên một công ty ở Khu Công nghiệp An Đồn được phát hiện, Đà Nẵng đang bước vào một cuộc chiến mới, khốc liệt và cam go. Trong khoảng thời gian vô cùng ngắn, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã phải lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 11.000 người để kịp thời đáp ứng công tác truy vết, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Những chiến sĩ thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế ngủ trên xe cứu thương.

Lại bắt đầu chuỗi ngày làm việc thâu đêm, các chiến sĩ áo trắng liên tục xuất hiện thần tốc tại các điểm nguy cơ, khi là khu công nghiệp, lúc lại là trường học hay khu dân cư… làm việc không ngừng. Họ đang khẩn trương truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, phong tỏa, cách ly những trường hợp nguy cơ. Vẫn túc trực 24/24 để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nhằm kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.


Anh Lê Hoàng Thuận, cán bộ Đội truy vết Trung tâm y tế quận Sơn Trà chia sẻ, gần 12 giờ đêm 11-5, anh nhận cuộc gọi từ các đồng nghiệp và ngay lập tức lên đường. Vậy là anh lại nhận nhiệm vụ mới tại khu cách ly tập trung vừa mới được hoàn thành.

Gần nửa tháng qua, cán bộ, công chức, viên chức, các nhân viên y tế cùng các lực lượng tham gia phòng, chống dịch của TP Đà Nẵng không một phút nghỉ ngơi. Nếu một lần tận mắt chứng kiến những hình ảnh các nhân viên y tế thức trắng đêm để lấy mẫu; người ướt đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ, ngất xỉu vì làm việc quá mệt, thì chúng ta mới có thể thấu cảm được những cố gắng và hy sinh của những nhân viên y tế trong cuộc chiến chống dịch.

Những chiến sĩ thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Kỹ thuật viên xét nghiệm phải đối mặt hàng chục, hàng trăm mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày.


Trao đổi về công tác xét nghiệm, TS, BS Hoàng Quốc Cường, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu thần tốc trong công tác phòng, chống dịch bệnh, yêu cầu xét nghiệm chính xác là vô cùng quan trọng. Do đó, người thực hiện công tác xét nghiệm cần được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, tuân thủ tuyệt đối các quy định về công tác lấy mẫu, vận chuyển, mã hóa, tách chiết… để đảm bảo sự chính xác tuyệt đối cho kết quả xét nghiệm. “Sự không chính xác trong công tác xét nghiệm ẩn chứa những hệ lụy khó lường với những mối nguy và ảnh hưởng nặng nề. Nếu người dương tính nhưng kết quả âm tính thì sẽ là mối nguy mất an toàn, bỏ sót người nhiễm bệnh và có thể trở thành nguyên nhân lây lan dịch bệnh. Ở chiều hướng ngược lại, người có kết quả âm tính nhưng kết quả lại dương tính sẽ tạo nên những thiệt hại kinh tế, lãng phí nguồn lực… liên quan đến việc cách ly, giãn cách… đồng thời với mối nguy bỏ sót mầm bệnh”, TS, BS Hoàng Quốc Cường nhấn mạnh.

Với những kỹ thuật viên xét nghiệm, virus SARS-CoV-2 là điều họ phải đối mặt hằng ngày, không chỉ một mà là hàng chục hay thậm chí hàng trăm lần, nhưng không có sự e dè hay sợ sệt, vì đối với họ hạnh phúc lớn nhất là an toàn và sự bình yên không chỉ của cá nhân mà đó là của người dân, của đất nước. Công tác xét nghiệm không chỉ là trách nhiệm mà còn là sứ mệnh thiêng liêng của những trái tim không mệt mỏi.

Bài và ảnh: HOÀNG NGỌC

Bài viết liên quan

Danh mục khác