Những đóng góp hiệu quả trong hoạt động xã hội nhân đạo

Trải qua 66 năm xây dựng và phát triển, đến nay Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo. Ngày 23-11-1946, Ðại hội đại b...

Trải qua 66 năm xây dựng và phát triển, đến nay Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo.

Ngày 23-11-1946, Ðại hội đại biểu Hồng Thập tự Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại đình làng Thanh Ấm, Vân Ðình, Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội) đã đánh dấu sự ra đời của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, khi đó được gọi là Hội Hồng Thập tự Việt Nam. Hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự trong suốt 23 năm. Tiếp đó là đồng chí Tổng Bí thư Ðỗ Mười, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương và hiện nay là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Sự ra đời của Hội CTÐ ViệtNamđã khẳng định sự phát triển ngày càng lớn mạnh của phong trào CTÐ trong cả nước.

Những ngày đầu mới thành lập, tổ chức Hội chỉ có 12 người trong Ban Trị sự (nay là Ban Chấp hành) với gần 1.000 hội viên. Trong giai đoạn đầu, hầu như ban lãnh đạo Hội đều làm việc kiêm nhiệm, chưa có văn phòng chuyên trách, phong trào phát triển không đồng đều; công tác xây dựng tổ chức của các cấp Hội chưa được quan tâm đầy đủ, gặp rất nhiều khó khăn.

Hoạt động của Hội được tập trung vào bốn lĩnh vực đó là: Mở các lớp đào tạo cứu thương; giúp đỡ các cơ quan quân y và dân y, chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh; chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ đồng bào di cư, tản cư và tham gia trao trả tù binh trong chiến tranh.

Từ năm 1955 đến 1975, trong bối cảnh cả nước tập trung cho hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam thống nhất đất nước. Hoạt động của Hội được mở rộng thêm lĩnh vực mới như: Trợ giúp nhân đạo đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thương binh, liệt sĩ, tham gia cứu chữa, vận chuyển thương binh, bệnh binh; chăm sóc sức khỏe nhân dân, vận động nhân dân thực hiện phong trào vệ sinh, phòng bệnh; tham gia tiếp nhận kiều bào về nước.

Sau năm 1975, và những năm gần đây, tổ chức và hoạt động của Hội đã phát triển sâu rộng trong cả nước với hệ thống bốn cấp. Ðặc biệt, tổ chức Hội đã phát triển trong nhiều trường học, cơ quan dân chính đảng, doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường trong cả nước. Ðến nay, cả nước có hơn 18 nghìn cán bộ Hội,  bốn tổ chức cơ quan báo chí, cơ quan Trung ương Hội.

Nhiệm kỳ Ðại hội VIII, toàn Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động  được 7.316 tỷ đồng, chăm lo đời sống, sức khỏe cho nhân dân; năm sau cao hơn năm trước gấp 2,5 lần so  nhiệm kỳ Ðại hội VII. Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” mỗi năm toàn Hội vận động được hơn một triệu suất quà để chăm lo cho các gia đình nghèo mỗi khi Tết đến, Xuân về. Hưởng ứng Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, toàn Hội đã lập được 1,9 triệu hồ sơ người có hoàn cảnh khó khăn cần được trợ giúp, hiện đã trợ giúp được 1,2 triệu người. Trong đó, 52% do Hội hỗ trợ và 48% do các tổ chức khác giúp đỡ. Toàn Hội đã xây dựng 25.000 căn nhà CTÐ tặng đồng bào nghèo. Thông qua dự án “Ngân hàng bò”, các cấp Hội đã tặng 6.200 con bò cho người nghèo, tại 33/62 huyện nghèo trong cả nước.

Hội Chữ thập đỏ ViệtNamlà thành viên của MTTQ ViệtNamvà là thành viên của Hiệp Hội CTÐ – Trăng lưỡi liềm đỏ (TLLÐ) quốc tế. Những năm qua, hoạt động quan hệ đối ngoại trong lĩnh vực nhân đạo được Hội triển khai rộng mở và có hiệu quả. Ðến nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tích cực mở rộng quan hệ với các đối tác trong phong trào, các tổ chức quốc tế, các đoàn ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ để thu hút nguồn lực, các chương trình, dự án giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Hiện nay, tại Hà Nội có Ðoàn đại diện Hiệp Hội CTÐ – TLLÐ quốc tế và 12 Hội quốc gia có đại diện tại Việt Nam, để giúp đỡ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Hằng năm, Hội thu hút hơn 30 chương trình, dự án với gần 40 triệu USD thực hiện các hoạt động nhân đạo.

Phấn đấu trở thành thành viên tích cực của phong trào CTÐ – TLLÐ quốc tế, những năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chủ động vận động nhân dân, các cấp, các ngành ủng hộ nhân dân các nước bị thiên tai, thảm họa, khắc phục hậu quả như: Nhật Bản, Lào, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Thái-lan, Nga, Mỹ với gần chín triệu USD, được phong trào CTÐ – TLLÐ quốc tế đánh giá cao.

Trong suốt 66 năm hoạt động, Hội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước trong hoạt động nhân đạo, với nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đã được ban hành như: Chỉ thị 43-CT/T.Ư, ngày 8-6-2010 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác của Hội CTÐ Việt Nam” sau 22 năm thực hiện Chỉ thị số 14-CT/T.Ư của Ban Bí thư (khóa VI); Quốc hội thông qua Luật Hoạt động CTÐ (ngày 3-6-2008); Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2011/NÐ-CP, ngày 7-1-2011 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hoạt động CTÐ, ban hành nhiều nghị định giúp cho Hội hoạt động có hiệu quả…, ngoài ra, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cũng đã được thành lập ngày 26-2-2008.

Ghi nhận những đóng góp của Hội  trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, 66 năm qua, Hội CTÐ Việt Nam đã hai lần vinh dự được Ðảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương, phần thưởng cao quý khác…

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, ngay sau Ðại hội, các cấp Hội đã tích cực triển khai các hoạt động theo mục tiêu chung của Ðại hội Hội CTÐ ViệtNamlần thứ IX, nhiệm kỳ 2012 – 2017. Ðó là, toàn Hội phát huy vai trò nòng cốt và tổ chức bổ trợ của Chính phủ trong hoạt động nhân đạo; chủ động tham gia ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức, tình huống trong công tác nhân đạo; tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội; góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhân đạo của Ðảng và Nhà nước.

Chủ tịch Nguyễn Hải Đường (Theo nguồn http://www.nhandan.com.vn)

Theo redcross.org.vn

 

Bài viết liên quan

Danh mục khác