|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, báo cáo của Thành phố đã đánh giá tương đối đầy đủ những việc đã làm được; những tồn tại, hạn chế; chỉ ra các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế.Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình tham nhũng trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực như: quản lý đô thị, xây dựng, đất đai, thuế, tài chính, ngân hàng…
Những vụ việc nổi lên gần đây như công trình xây trái phép ở 8B Lê Trực, Ba Vì cần xác định rõ nguyên nhân vì sao, do năng lực cán bộ, chế độ trách nhiệm hay tham nhũng…. Thủ tục hành chính tuy có tiến bộ hơn nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề phải xử lý. Vẫn còn nhiều dư luận về tình trạng nhũng nhiễu; Kỷ luật, kỷ cương hành chính còn nhiều yếu kém nên cần chấn chỉnh.
Phó Thủ tướng khẳng định: Phòng chống tham nhũng (PCTN) là việc rất hệ trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước. Nhưng phòng chống tham những cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Đại hội XII của Đảng tiếp tục xác định PCTN là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn khóa, các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị phải kiên quyết thực hiện.
“Với vị trí là Thủ đô, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, Hà Nội phải kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của thành phố”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu 8 vấn đề cấp thiết mà TP Hà Nội phải làm trong thời gian tới. Trong đó có việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, mà trước hết là Nghị quyết Đại hội XII về PCTN.
Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định để không tạo kẽ hở cho tham nhũng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân và trong đội ngũ cán bộ, công chức; làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng: làm có hiệu quả, không hình thức mới khó. Đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, người đứng đầu. Cần gắn PCTN với thực hiện Nghị quyết TW4 và Chỉ thị 03.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu mô hình Trung tâm hành chính công của một số địa phương để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh tình trạng cửa quyền, hách dịch, trên bảo dưới không nghe. Kiến nghị của mọi người dân phải được xử lý, trong bộ máy hành chính không thể để tình trạng: nhận được văn bản của cơ quan, đơn từ, đề nghị của dân mà thích thì xử lý, không thích thì thôi, thích thì làm sớm, không thích thì để đấy.
“Hà Nội cần làm mạnh công tác này. Cán bộ nào không đáp ứng công việc, cửa quyền, quan liêu, vòi vĩnh… thì cần thay thế, nếu nghiêm trọng thì phải cho ra khỏi bộ máy, xử lý kỷ luật nghiêm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội nghiên cứu, đánh giá toàn diện và có các kiến nghị với Trung ương về các giải pháp, phương hướng để có thể làm tốt hơn công tác đấu tranh PCTN trong thời gian tới và trực tiếp góp ý để Ban chỉ đạo Tổng kết rà soát, xác định phương hướng cho việc bổ sung, sửa đổi Luật PCTN.
214 vụ liên quan tham nhũng trong 10 năm
Tại hội nghị, báo cáo tổng kết của UBND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu trình bày nêu rõ, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị ở thành phố trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. So với 5 năm trước, tham nhũng tại một số lĩnh vực đã từng bước được kiềm chế.
Từ năm 2006 đến nay, thành phố đã triển khai 3.101 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm lên tới 2.542 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 1.415 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 1.127 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi và đưa vào quản lý 2.439 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 223 cá nhân, 272 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 38 vụ.
Cũng trong thời gian này, CATP Hà Nội đã thụ lý điều tra 214 vụ với 563 bị can liên quan đến tham nhũng. Trong đó đã khởi tố 201 vụ với 540 bị can, đình chỉ điều tra 6 vụ với 6 bị can, tạm đình chỉ điều tra 4 vụ với 9 bị can; kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 192 vụ với 520 bị can, đang điều tra 12 vụ với 28 bị can…
Theo ông Nguyễn Văn Sửu, Hà Nội cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng ở Thủ đô vẫn còn hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Đặc biệt, việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế, thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao./.
Nguồn vov.vn