Đại diện chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam cho biết, đến thời điểm này đã có gần 1 triệu người là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch tại 63 tỉnh, thành phố đã tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong việc tiêm vaccine và đang tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai cho những đợt tiêm tiếp theo.
Theo ghi nhận của phóng viên tại một xã của Hà Nội, nhiều người dân nằm trong đối tượng ưu tiên đã tiêm đủ 2 liều vaccine, chỉ có số ít trường hợp do tình trạng sức khỏe không thể tiêm vaccine trong đợt này.
Giống như những lần trước, đợt dịch này, những cán bộ, nhân viên tổ COVID-19 cộng đồng của xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội tham gia truy vết những người từ vùng dịch trở về, có nguy cơ mắc COVID-19 cao. Điểm khác biệt trong lần ra quân này là tâm lý của mỗi người vững vàng hơn, bởi cả đội đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Một số trường hợp sau khi tiêm có phản ứng nhẹ như sốt, đau ở vị trí tiêm nhưng chỉ sau 1 - 2 ngày sức khỏe đều trở lại bình thường.
Quy trình chuẩn trước tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Toàn xã Đức Giang có hơn 100 người thuộc đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó gần 80 người đã hoàn thành tiêm. Những người còn lại xin hoãn tiêm do đang nuôi con nhỏ hoặc đang điều trị bệnh, hoàn toàn không có tình trạng không tiêm do e ngại phản ứng phụ.
Hiện, xã Đức Giang đang mở rộng thêm các đối tượng có nguy cơ cao như như giáo viên, lái xe... để lên danh sách chờ phân bổ vaccine lần 3.
Bộ Y tế khẳng định: Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến. Sự khác biệt ở chỗ chú trọng nhất tiêu chí an toàn với quy trình chuẩn về khám sàng lọc trước tiêm và theo dõi 30 phút sau tiêm.
Quy trình chuẩn trước và sau tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế:
Trước tiêm:
1. Mọi người cần mang CMT hoặc thẻ căn cước, thẻ bảo hiểm y tế. Nếu có giấy ra viện, đơn thuốc hay phiếu tiêm các vaccine khác trong thời gian gần đây thì mang theo.
2. Tải ứng dụng sổ sức khỏe điện tử.
3. Thực hiện đầy đủ 5K.
4. Chủ động thông báo cho cán bộ y tế thông tin sức khỏe cá nhân.
5. Chủ động tìm hiểu và hỏi cán bộ y tế về loại vaccine, các dấu hiệu có thể xuất hiện và cách xử lý cũng như điện thoại liên hệ.
Sau tiêm:
Người tiêm xong ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để được theo dõi, được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng ứng trực, đề phòng có trường hợp phản ứng nặng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã tiêm 979.238 liều vaccine COVID-19 AstraZeneca cho các cán bộ, nhân viên y tế phục vụ chống dịch và thành viên các tổ COVID cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, 22.561 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên cũng như các loại vaccine, thuốc khác không có gì an toàn 100%. Bộ Y tế đã rút kinh nghiệm và tiếp tục tập huấn cho cán bộ tiêm chủng về kỹ thuật tiêm để giảm tối đa những phản ứng không mong muốn.
Ban Thời sự