Quyết liệt vào cuộc, tận dụng “thời gian vàng” để đẩy lùi COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh

Y tế và sức khỏe

14:52 15/07/2021

15 ngày thực hiện giãn cách xã hội được coi là “thời gian vàng” để TP Hồ Chí Minh tận dụng thần tốc truy vết, cách ly, xét nghiệm, cắt đứt các chuỗi lây nhiễm.

"Thời gian vàng" dập dịch

Tại TP Hồ Chí Minh, các khu cách ly tập trung liên tục được mở ra. Các kịch bản 5.000 ca, 10.000 ca, 15.000 ca đã được đặt ra. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sự lây lan mạnh của virus nếu không có biện pháp mạnh để chặn đứng sẽ khiến hệ thống y tế quá tải gây nên những hậu quá khó lường. Do đó việc áp dụng theo nguyên tắc Chỉ thị 16 lúc này là hoàn toàn đúng đắn.

"Thực hiện theo nguyên tắc Chỉ thị 16 sẽ giúp cho chúng ta làm giảm đường lây truyền của virus và chúng ta sẽ chặn đứng được đường lây của virus. Đồng thời, chúng ta phải xét nghiệm thật nhanh, trả kết quả thật nhanh thì mới có thể chặn đứng được và chúng ta không phải kéo dài Chỉ thị", TS. BS. Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam cho biết.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Chuyên gia dịch tễ cho rằng: "Vai trò của giãn cách là để virus không lây thêm và không đi xa hơn nữa. Trong 15 ngày đó, làm xét nghiệm và tách F0 ra khỏi cộng đồng để sau đó không còn F0 trong cộng đồng".

Để có thời gian đuổi kịp tốc độ lây của virsus để không phải tiếp tục kéo dài, các chuyên gia cho rằng 15 ngày giãn cách phải được thực hiện thực chất quyết liệt.

TS. BS. Nguyễn Thu Anh cho biết thêm: "Thực hiện Chỉ thị có vai trò then chốt để chúng ta quyết định được thành công của đợt dịch lần này. Chỉ thị 16 không phải là khẩu hiệu mà đó phải là những hành động thực chất. Tức là nhà cách ly với nhà, xóm cách ly với xóm thì chúng ta mới mang lại hiệu quả chống dịch".

"Giãn cách thực sự phải có hiệu quả và phải thực sự là giãn cách, đặc biệt là trong thôn xóm nhỏ mới có giá trị trong hai tuần lễ này", Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

 - Ảnh 1.

TP Hồ Chí Minh Tăng cường các lực lượng chức năng thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 (Ảnh: TTXVN)

Để tận dụng thời gian vàng 15 ngày, làm việc với TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng mục tiêu lớn nhất là sau khi thực hiện việc giãn cách, thành phố phải xác định được những khu vực quận, huyện, phường, xã, khu vực an toàn vững chắc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Chúng ta có lòng tin là tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh thì chúng ta hoàn thành mục tiêu, đạt được những vấn đề được đặt ra là sau 15 ngày giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16, chúng ta dồn dịch COVID-19 vào một số điểm ít nhất có thể, nhỏ nhất có thể. Còn lại trên địa bàn thành phố, cơ bản sẽ trở về trạng thái bình thường mới".

Việc áp dụng theo nguyên tắc Chỉ thị 16 để giãn cách xã hội, ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh có số ca bệnh lên tới hơn 8.000 ca là việc rất cần thiết. Tuy nhiên, tận dụng thời gian giãn cách này để dập dịnh như thế nào lại là những bài toán khó cần phải giải cùng lúc.

Nhiệm vụ của TP Hồ Chí Minh trong 15 ngày giãn cách xã hội

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong thời gian này, TP Hồ Chí Minh cần phải lưu ý 4 điểm:

- Thứ nhất, thành phố phải xác định rất rõ mục tiêu phấn đấu ở mức cao nhất, mạnh nhất để sau 15 ngày phải thiết lập được những vùng an toàn dịch bệnh.

- Thứ hai, việc tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 phải thật nghiêm.

- Thứ ba, TP Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện các biện pháp truy vết, xét nghiệm, cách ly để khoanh vùng, làm sạch các ổ dịch.

- Thứ tư là các biện pháp phòng, chống dịch phải hiệu quả.

Để tăng cường hiệu quả dập dịch, ngay từ những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, TP Hồ Chí Minh đã có chiến lược mới để tận dụng "thời gian vàng".

Chiến lược tận dụng "thời gian vàng" để dập dịch ra sao?

TP Hồ Chí Minh chia các khu vực như vùng màu xanh là vùng an toàn, vùng màu vàng là vùng nguy cơ. Vùng màu cam là nguy cơ cao và vùng màu đỏ là nguy cơ rất cao. Chiến lược được đặt ra là giữ vững an toàn các vùng màu xanh, kéo giảm vùng màu đỏ xuống cam và vàng để tiến tới trở thành vùng an toàn.

Để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và tuân thủ theo nguyên tắc Chỉ thị 16, TP Hồ Chí Minh đã triển khai chiến lược xét nghiệm mới.

 - Ảnh 2.

Nhân viên y tế TP Hồ Chí Minh tiến hành điều tra, truy vết COVID-19 (Ảnh: HCDC)

Với các khu phong tỏa, nguy cơ rất cao, xét nghiệm 2-3 ngày/lần bằng test nhanh kháng nguyên và thực hiện mẫu gộp 5 với đại diện hộ gia đình trong phạm vi tổ dân phố. Tốc độ trả kết quả cũng được đẩy nhanh để làm tới đâu chắc tới đó.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: "Đối với mẫu đơn thì 10 - 12 giờ, còn mẫu gộp trả kết quả trong vòng 24 giờ đã tạo điều kiện nhanh nhất cho các trung tâm y tế để làm sao chúng ta tách hẳn F0 ra khỏi cộng đồng".

Về chiến lược tiêm vaccine, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tiêm vaccine đợt 5 cho khoảng 1 triệu người. Trong đó, có các đội tiêm lưu động để đảm bảo an toàn giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16.

"Thành phố đã chỉ định một số bệnh viện đủ điều kiện tiêm cho các đối tượng mắc bệnh mãn tính và có nguy cơ. Thành phố sẽ hỗ trợ cho các đội tiêm, lực lượng tiêm cấp cứu từ các bệnh viện để hỗ trợ cho các trung tâm y tế quận, huyện nhằm đảm bảo đúng tiến độ. Tại mỗi điểm tiêm, bố trí đầy đủ nhân sự nhằm đảm bảo tiêm tới đâu thì an toàn tới đó", ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức phân luồng điều trị theo mô hình tháp 4 tầng để đáp ứng điều trị cho số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng. Nhanh chóng khoanh vùng truy vết, xét nghiệm trọng điểm, tiêm vaccine an toàn và nâng cao nâng lực điều trị - nhiều giải pháp đã được thành phố đề ra để quyết tâm kiểm soát dịch bệnh trong thời gian vàng 15 ngày.

Với quyết tâm rất cao, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh coi việc kiểm soát dịch bệnh là cuộc chiến thực sự và kêu gọi nhân dân thành phố chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn vì sự ổn định lâu dài. Tuy nhiên, thực hiện giãn cách xã hội không phải là "thuốc tiên", ngay lập tức đẩy lùi COVID-19 mà cần sự hiểu đúng và nghiêm túc thực hiện. Lúc này, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân thành phố là điều kiện tiên quyết để chiến thắng dịch bệnh.

Người dân TP Hồ Chí Minh đồng lòng cùng chính quyền trong cuộc chiến chống dịch

Thu nhập của cả nhà bà Võ Thị Lài (phường 13, quận Phú Nhuận) đều phụ thuộc chủ yếu vào mớ khoai, nải chuối. Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 đồng nghĩa với việc sạp hàng của bà phải đóng cửa. Thế nhưng, bà Lài lại rất ủng hộ chủ trương này, vì với bà thà thiệt thòi một chút cũng không sao, chỉ mong mau hết dịch.

"Cũng chao đảo nhưng là người dân thì mình phải chấp hành cho tốt mặc dù gia đình rất khó khăn. Vì sự nghiệp chung chứ không phải là vì riêng mình, mình muốn mau hết dịch thì mình phải chịu hy sinh ban đầu", bà Lài chia sẻ.

Giãn cách xã hội đồng nghĩa với đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Thế nhưng, giữa lúc khó khăn nhất, nghĩa tình của người dân lại càng dâng cao. Tại một trong số hàng trăm "bếp ăn 0 đồng" đang diễn ra trên địa bàn thành phố, bất kể mưa nắng, bếp luôn đỏ lửa, thổi cơm, hỗ trợ bữa ăn cho những hoàn cảnh khó khăn đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bà Trần Thị Sen, người thu mua ve chai chia sẻ: "Nhờ có những suất ăn này, cô mới có ăn, cũng đỡ cho cô phần nào".

Để không tụ tập đông người, đội giao hàng đặc biệt "Bếp cơm di động" đã được thành lập. Mấy hôm trước, ông Đặng Văn Tâm được bếp ăn giúp đỡ, giờ ông ở lại luôn với đội. Công việc của ông là chở những suất ăn nóng hổi này đến từng ngõ, từng nhà cho những người lang thang, cơ nhỡ.

"Tôi chạy xe ôm tình cờ được quán cơm giúp đỡ, anh mới hỏi có muốn vào đội không và tôi cũng đồng ý rồi làm luôn tới giờ", ông Tâm nói.

Anh Nguyễn Tuấn Khởi, người sáng lập "Bếp cơm di động" chia sẻ: "Mỗi chuyến đi giao được 60 hộp cơm, đi liên tục liên tục. Làm thế này vừa đảm bảo giãn cách vừa có thể trao tận tay, tìm hiểu về cuộc sống rồi từ đó phân bố thực phẩm cho đều".

 - Ảnh 4.

Thanh niên tình nguyện chọn lựa hàng hóa, nhu yếu phẩm tại siêu thị giúp người dân (Ảnh: TTXVN)

Từ người lớn đến người trẻ, đến nay, đã có hơn 15.000 chiến sĩ áo xanh cùng tham gia vào đội hình chống dịch đi chợ giúp người dân trong khu phong tỏa, hỗ trợ nhập liệu, khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng… Mỗi người một việc nhưng đều chung một mục đích là góp một phần sức trẻ để san sẻ áp lực với lực lượng tuyến đầu.

Ông Phạm Văn Lành, Chủ tịch UBND Phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh nói: "Lúc khó khăn mới thấy tình nghĩa người thành phố mình dành cho nhau thế nào".

 - Ảnh 5.

Ảnh: TTXVN

Giãn cách xã hội nhưng là dịp để tình cảm của người dân xích lại gần nhau. Ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, sự chung tay, đùm bọc của người dân lúc này chính là "lá chắn nghĩa tình" giúp TP Hồ Chí Minh sớm trở lại bình thường.

Có thể thấy đây là giai đoạn rất khó khăn của người dân TP Hồ Chí Minh nhưng với quyết tâm của cả chính quyền và sự đồng lòng của người dân trong việc thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị 16, hy vọng TP Hồ Chí Minh sớm đẩy lùi được dịch bệnh.

Nhóm PV Chuyển động 24h

Bài viết liên quan

Danh mục khác