Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Hậu Giang

Ngày 28-9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Hậu Giang – Tiềm năng đầu tư và phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì. Tại Hội n...

Ngày 28-9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Hậu Giang – Tiềm năng đầu tư và phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì.

Tại Hội nghị, các đại biểu nghe lãnh đạo tỉnh Hậu Giang báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, cũng như những tiềm năng, lợi thế, cùng các cơ chế chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư của Hậu Giang.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, đến nay, Hậu Giang có hơn 4.300 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 45,5 nghìn tỷ đồng; thu hút 489 dự án trong nước với tổng vốn hơn 123,4 nghìn tỷ đồng; 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 809 triệu USD. Hiện, Hậu Giang đã ổn định diện tích canh tác lúa 78 nghìn ha, vùng nguyên liệu mía 11 nghìn ha, vùng nguyên liệu khóm hai nghìn ha, vùng cây ăn trái 36 nghìn ha và vùng nuôi trồng thủy sản 11 nghìn ha”.

Với tiềm năng, lợi thế nêu trên, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào bốn lĩnh vực: Đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; xây dựng chợ đầu mối nông sản, đầu tư các nhà máy chế biến và tiêu thụ nông sản; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là cơ hội tốt để các đối tác đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, cập nhật hơn về tiềm năng, thế mạnh, văn hóa và con người Hậu Giang. Đặc biệt là nắm bắt rõ những chính sách, dự án kêu gọi đầu tư nhằm tìm kiếm cho mình những cơ hội đầu tư, kinh doanh hiệu quả cũng như chia sẻ khuyến nghị mang tính xây dựng về chính sách, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững dựa trên đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất và sức cạnh tranh trong giai đoạn mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, mặc dù là địa phương còn khá non trẻ, tuy nhiên trong những năm gần đây, Hậu Giang đã có những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo đà cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Với lợi thế có nguồn nguyên liệu nông nghiệp dồi dào như cây ăn quả, lúa chất lượng cao có thương hiệu đặc trưng; lực lượng lao động chiếm 70% dân số của tỉnh; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng với sáu tuyến quốc lộ… tuy nhiên chưa được khai thác hiệu quả.

Về tầm nhìn, định hướng phát triển của tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Hậu Giang cần tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp, thủy sản quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng tổ chức lại sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, thực hiện có hiệu quả “liên kết bốn nhà”.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hậu Giang cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tiếp tục gỡ bỏ các rào cản trong sự phát triển của tỉnh, nhất là môi trường đầu tư kém cạnh tranh, chưa tạo được niềm tin và khơi dậy các nguồn vốn vào phát triển. Bên cạnh đó, Hậu Giang cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo lao động nông thôn, chuyển đổi có hiệu quả lao động lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, quan tâm phát triển mạnh mẽ du lịch, dịch vụ, tuyên truyền quảng bá về du lịch làng nghề, văn hóa, ẩm thực…

Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Về phía Chính phủ, sẽ quyết tâm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cũng dịp này, các đơn vị, doanh nghiệp đã trao tặng gần 32 tỷ đồng Quỹ An sinh xã hội tỉnh Hậu Giang. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trao chủ trương đầu tư cho năm doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng; ký kết biên bản thỏa thuận đầu tư với hai doanh nghiệp, Phòng Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc cùng ba tỉnh tiếp giáp, gồm: Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang.

(Nguồn nhandan.org.vn)

Bài viết liên quan

Danh mục khác