Tại một buổi tiêm vaccine COVID-19 diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tất cả những người đến tiêm đều thực hiện theo đúng quy trình từ khai báo y tế, phân loại theo nhóm và được hướng dẫn, đo huyết áp, hỏi các câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh tật hay dị ứng sau đó mới được tiến hành tiêm vaccine.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho biết: "Ngoài việc hỗ trợ đưa vaccine về Việt Nam, chúng tôi còn hỗ trợ về ống tiêm, tủ đông bảo quản để đảm bảo quá trình triển khai tiêm vaccine an toàn và hiệu quả. Đặc biệt, tôi biết đội ngũ y tế Việt Nam luôn sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra để phản ứng nhanh nhất và kịp thời".
"Trong quá trình được tiêm ở đây, mình thấy mọi thứ được sắp xếp rất khoa học và rõ ràng. Việc tiêm vaccine này cũng là điều may mắn cho mỗi người phóng viên. Sau khi tiêm, mình không thấy vấn đề gì ảnh hưởng đến sức khỏe", anh Trịnh Tùng Giang, phóng viên báo Lao Động chia sẻ.
Tiêm vaccine giúp phòng chống dịch bệnh COVID-19
Thông thường, theo quy trình chuẩn trên thế giới, những người đến tiêm vaccine sẽ cần phải ở lại ít nhất 15-30 phút sau khi tiêm, nhưng ở đây tất cả đều được yêu cầu ở lại 1 tiếng sau tiêm.
Hiện nay, vaccine COVID-19 đang được tiêm chủng tại Việt Nam là vaccine do hãng AstraZeneca sản xuất, được nghiên cứu và phát triển bởi Đại học Oxford (Vương quốc Anh). Vaccine này đã được sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 6 châu lục với khoảng hơn 17 triệu người tại châu Âu đã được tiêm chủng.
"Vaccine Astrazeneca đã được chứng minh là khá hiệu quả đối với việc phòng chống lại COVID-19. Tôi kiến nghị mọi người hãy tiêm đầy đủ 2 mũi để có kết quả tốt nhất", TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh.
Ban Thời sự