Một thay đổi đáng chú ý trong chiến lược mới của TP Hồ Chí Minh là mô hình tháp 3 tầng điều trị.
Tầng 1: Chăm sóc kết hợp đảm bảo an sinh cho F0 tại nhà.
Tầng 2: Tiếp nhận và điều trị cho F0 cấp cứu.
Tầng 3: Hồi sức chuyên sâu nặng và nguy kịch.
Trong đó, tầng 1 đang có nhiều hình thức để tăng cường điều trị cho F0 tại nhà như:
- Túi thuốc điều trị F0.
- 312 đội phản ứng nhanh.
- Tổ y tế cộng đồng chủ động liên lạc F0.
- Sắp tới là trạm đo SPO2 và trạm thở Oxy tại mỗi phường, xã.
Với việc đầu tư kỹ cho tầng 1 sẽ giúp giảm tải rất nhiều cho các tầng trên. Người bệnh có thuốc điều trị ngay từ đầu theo dõi tại cơ sở để hạn chế chuyển nặng. Tuy nhiên, vấn đề của tầng này theo các chuyên gia là phải tính toán rất kỹ về số lượng F0.
Còn với tầng 2, TP Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu các bệnh viện tăng cường khả năng đáp ứng tiếp nhận bệnh nhân như tách đôi bệnh viện hoặc chuyển đổi công năng, huy động bệnh viện tư nhân để tiếp nhận điều trị bệnh nhân, không chỉ là bệnh nhân COVID-19 mà còn là các bệnh nhân thông thường.
Như vậy, ở cả 2 tầng đều đã có những giải pháp để tăng cường khả năng sàng lọc tiếp nhận bệnh nhân điều trị. Tuy nhiên, điểm mấu chốt theo các chuyên gia là giữa các tầng này phải có sự liên lạc với nhau để tránh ách tắc hoặc bệnh nhân phải đi lòng vòng.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã cho ra mắt bảng điều khiển tình hình điều trị nhằm điều phối chuyển bệnh nhân điều trị giữa các cơ sở. Như vậy, chính sách đã có, công cụ đã có, vấn đề được đặt ra là làm sao để việc tiếp nhận bệnh nhân được phối hợp thông suốt, tránh để bệnh nhân đi lòng vòng hoặc không được tiếp nhận điều trị khi cần cấp cứu.
Vũ Em - Tạ Hậu