Theo bác sĩ Nguyễn Quang Toàn, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), trước khi tới bệnh viện khám, người bệnh cần tự kiểm tra xem mình có các yếu tố liên quan tới dịch COVID-19 hay không (đi từng vùng dịch về, tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm, có các biểu hiện ho, sốt, đau họng, khó thở, mất vị giác…). Nếu có các yếu tố trên thì người dân cần liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi theo số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế để được trợ giúp.
Trường hợp bắt buộc phải vào bệnh viện khám, cấp cứu thì cần đi theo đúng luồng đi mà bệnh viện đã quy định. Khi tình hình dịch bệnh phức tạp, người dân cần đi khám cấp cứu theo đúng phân tuyến bảo hiểm y tế của mình để hạn chế tập trung đông ở bệnh viện tuyến trung ương.
Những trường hợp không phải cấp cứu thì người bệnh có thể đăng ký khám và tư vấn từ xa miễn phí của bệnh viện hoặc có thể liên hệ trước với các chuyên khoa hoặc khoa cấp cứu để có tư vấn phù hợp bảo đảm vừa phòng chống được dịch bệnh vừa điều trị được bệnh.
Người bệnh, người nhà người bệnh cần đeo khẩu trang khi tới khám, điều trị tại bệnh viện; không được chạm vào mặt ngoài khẩu trang, khi tháo thì cầm dây để tháo, tháo xong bỏ ngay vào thùng rác.
Bác sĩ Nguyễn Quang Toàn cho biết, vệ sinh tay là một biện pháp rất đơn giản, dễ làm và có hiệu quả tốt để phòng lây nhiễm SARS-CoV-2. Nếu bàn tay không có vết bẩn nhìn rõ thì có thể vệ sinh tay bằng dung dịch vệ sinh tay chứa cồn với nồng độ cồn từ 60-80%. Nếu bàn tay có vết bẩn nhìn rõ hoặc sau khi đi vệ sinh, sau khi làm vệ sinh môi trường, giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân… thì cần thực hiện rửa tay bằng nước với xà phòng và lau khô tay bằng giấy hoặc khăn dùng một lần.
“Không nên làm khô tay bằng các máy sấy tay tự động vì làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn do máy thổi vi sinh vật từ trong máy vào bàn tay. Cách tốt nhất là khô tay là lau bằng giấy lau tay sạch hoặc khăn dùng một lần”, bác sĩ Toàn lưu ý.
Bên cạnh đó, trong quá trình tới khám hoặc nằm viện, người bệnh có thể vệ sinh tay theo các thời điểm như trước và sau khi ăn, trước khi chuẩn bị thức ăn cho người bệnh, trước khi xoa bóp hỗ trợ người bệnh hoặc trước lau người cho người bệnh…
Đặc biệt, cần vệ sinh tay sau khi đi vệ sinh, sau khi giúp người bệnh vệ sinh cá nhân, sau khi đổ bỏ nước tiểu; vệ sinh tay sau khi động chạm trực tiếp vào các bề mặt xung quanh người bệnh hoặc các bề mặt khác…
Người bệnh có thể sử dụng các dung dịch vệ sinh tay chứa cồn mà cơ sở y tế trang bị ở mọi vị trí như trong thang máy, hành lang, trong buồng bệnh… hoặc rửa tay bằng nước với xà phòng rồi lau tay bằng giấy được bệnh viện trang bị đầy đủ.
Trong quá trình khám, điều trị người bệnh lưu ý giữ khoảng cách 2m với người xung quanh. Hạn chế đi sang các phòng bệnh khác hoặc các khoa phòng khác nếu không có yêu cầu. Khi đi trong thang máy hạn chế nói chuyện và chú ý vệ sinh tay. Nếu là trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 hoặc đang phải cách ly tại bệnh viện thì cần tuân thủ các quy định của bệnh viện như không rời khỏi khu cách ly, tuân thủ đúng 5K trong khu cách ly…
Khi ở bệnh viện hay ở cộng đồng, người bệnh cần chú ý tuân thủ đúng vệ sinh hô hấp, dùng khăn giấy để che miệng khi ho và hắt hơi, sau đó bỏ giấy vào thùng rác và rửa tay. Nếu không có sẵn giấy che thì có thể dùng khuỷu tay để che. Không dùng bàn tay để che mũi, miệng vì làm nguy cơ lây nhiễm qua bàn tay. Khi đi trong thang máy mọi người cần mang khẩu trang, không nói chuyện. Khi tới khám và điều trị thì cần hạn chế tập trung đông người tại các khu vực, đặc biệt là trong phòng của bệnh viện.
“Một biện pháp quan trọng nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19 đó là tiêm phòng vaccine. Mọi người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế cần thực hiện tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 theo chương trình tiêm chủng của Bộ Y tế”, bác sĩ Nguyễn Quang Toàn nhấn mạnh.
TTXVN/Báo Tin tức