Biên giới Việt - Lào trải dài những 2.300km và đi qua 10 tỉnh; từ Tây Bắc là Sơn La, đi qua các tỉnh Bắc Trung Bộ, kéo xuống tận Tây Nguyên là Kon Tum xa xôi. Tôi đã đi qua phân nửa các tỉnh Việt Nam có chung đường biên giới với nước bạn Lào và luôn ngỡ ngàng với sự chuyển động nhộn nhịp không ngừng của những vùng đất giáp biên ấy.
Điểm sáng đầu tiên là giao thông đã thông suốt, hiện đại và đáp ứng tốt hơn như cầu giao thương, đi lại giữa Nhân dân hai nước. Con đường dẫn đến các cửa khẩu Việt - Lào đều là những quốc lộ chiến lược quan trọng như Quốc lộ 279 (Điện Biên), Quốc lộ 217 (Thanh Hóa), Quốc lộ 8 (Hà Tĩnh), Quốc lộ 9 (Quảng Trị); Những Tây Trang, Na Mèo hay Lao Bảo, Cha Lo rồi Bờ Y… mới chỉ được nhắc đến thôi đã khiến người nghe nghĩ ngay đến kim ngạch tăng trưởng ấn tượng, những khu biên mậu nhộn nhịp, sầm uất nơi vùng đất phên giậu.
Đến nay, Việt - Lào có tổng cộng 36 chợ biên giới, 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu quốc gia, 18 lối mở biên giới và 8 khu kinh tế đặc thù. Sắp tới, khi cửa khẩu quốc tế Đắc-ta-oọc (Lào) - Nam Giang (Quảng Nam) được mở, thêm thuận lợi cho nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên.
Trong số những cửa khẩu thông thương với Lào, Cha Lo (Quảng Bình), đang dẫn đầu về giá trị kim ngạch. Bằng chứng là, cho dù dịch bệnh hoành hành, nhưng Cha Lo vẫn sôi động, bởi hàng trăm chiếc xe ô tô chở hàng hóa các loại, nối đuôi nhau thành hàng dài từ khu vực biên giới Việt - Lào qua trung tâm kiểm soát nhập cảnh. Ông Đậu Trọng Cảnh, Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Bình - Trưởng Văn phòng khu kinh tế CKQT Cha Lo hồ hởi: Giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu trung bình ở cửa khẩu Cha Lo là 2 tỷ USD mỗi năm, hiện đang cao nhất trong số các cửa khẩu thông thương với Lào.
Còn ở khu vực cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), có những thời điểm xe container chờ thông quan nối dài, tắc nghẽn hàng cây số. Dịch bệnh đã khiến khu biên mậu vùng giáp biên bớt sầm uất, nhưng với lượng xe cộ nhộn nhịp qua lại, cửa khẩu nơi cuối đường 9 vẫn là một trong những khu biên mậu sầm uất bậc nhất vùng Bắc Trung Bộ. Trước đó, khi lên và cả khi rời cửa khẩu xuôi xuống, xe chúng tôi đã phải rất vất vả đế tránh những chiếc container hối hả ngược xuôi. Hàng hóa qua Lao Bảo đổ về cảng Hòn La (Quảng Bình) hay Vũng Áng (Hà Tĩnh) rồi theo tàu ra Hải Phòng hoặc xuất khẩu ra nước ngoài.
Rõ ràng, lợi thế địa lý cùng chủ trương hợp tác toàn diện giữa Chính phủ hai nước đã là điều kiện không thể tốt hơn cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế của Lào và Việt Nam. Thật vui khi tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 4,8 tỷ USD. Kim ngạch thương mại cơ bản có sự tăng trưởng, đến nay đã đạt trên 1 tỷ USD và đã có những bước phát triển tích cực. 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 670 triệu USD, tăng hơn 36,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Lấp loáng sau ánh hào quang của những khu biên mậu nhộn nhịp, những cửa khẩu sầm uất là những “đô thị vàng”; những mô hình kinh tế với đồi sắn, nương chè và cả những nhà máy, công xưởng rộn rã ngày đêm. Nhưng, ấn tượng với chúng tôi hơn cả là những bản làng ấm no trên vùng biên viễn bình yên.
Trong rất nhiều đô thị vùng biên viễn Việt - Lào, thì Lao Bảo xứng đáng ở cương vị thứ nhất với tên gọi “đô thị vàng trên đồi Lao Bảo”. Thị trấn vùng biên của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) này, có tốc độ phát triển rất kinh ngạc, khi tỷ lệ hộ nghèo nơi đây chỉ còn khoảng hơn 5%. Cơ sở hạ tầng toàn thị trấn được đầu tư đồng bộ, sạch đẹp, khang trang bên cạnh khu biên mậu nhộn nhịp, khu thuế quan sầm uất.
Tôi cũng đã đọc được ở đâu đó những con số biết nói về sự đổi thay của vùng biên xứ Nghệ. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực miền Tây đạt khoảng 8,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người khoảng 26,5 triệu đồng/người/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, với mức bình quân 11%/năm. 64/203 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5 xã thuộc huyện nghèo 30a và xã biên giới…
Trong niềm vui chung ấy, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) Nguyễn Hữu Minh khoe: Nhờ có đường giao thông thuận lợi, có chính sách hỗ trợ của Nhà nước… người dân tại các bản làng đã có nhiều cơ hội để đột phá. Minh chứng rõ nét nhất đối với huyện Kỳ Sơn đã có nhiều tỷ phú người Mông với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Còn tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện mỗi năm giảm 4 - 5% và hiện chỉ còn hơn 59%... Bản làng no ấm hơn bởi những rẫy chanh leo, nương gừng, nương chè Shan tuyết, những trang trại trâu, bò… của đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú…
Nhớ lại những ngày giữa năm 2021 ở huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên Huế), khi chúng tôi được trải nghiệm ngay chính trên những bản làng của đồng bào Pa Cô, Bru Vân Kiều, Tà Ôi, Cơ Tu… Trên đỉnh Trường Sơn, những “đồng bào mang họ Bác Hồ” đang tập trung phát triển kinh tế, hình thành các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như chuối già lùn, gạo Ra dư, nếp than, vải zèng, thịt bò vàng… Cùng với các điểm du lịch và làng văn hóa du lịch, thì việc phát triển kinh tế từ trồng rừng, chăn nuôi theo thế mạnh vùng đất đang khiến cho A Lưới ngày một khởi sắc thêm.
Những vùng đất tôi đã đi qua, những khu dân cư vùng biên ải tôi đã đến, lắng nghe, cảm nhận và chợt thấy rằng, sự đổi thay của ngày hôm nay, không chỉ bắt nguồn từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, mà còn bằng bàn tay lao động cần mẫn của những nông dân dưới tán rừng già.
Xuân đang về trên mỗi bản làng, sắc Xuân cũng trở nên ấm áp hơn khi bên trong những mái nhà sàn của người Mông, người Thái, người Pa Cô… nơi miền biễn viễn Việt - Lào là cuộc sống no đủ đang hiện hữu từng ngày.