Bắc Kạn: Thực hiện hiệu quả nguồn vốn chính sách trong giảm nghèo bền vững

Xóa đói giảm nghèo

10:25 26/10/2021

Trọn vẹn 19 năm đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách, tín dụng chính sách được xem như một trong những nguồn lực chính trong công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội bền vững ở tỉnh Bắc Kạn.

Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Bắc Kạn, ông Hà Sỹ Côn chia sẻ: hoạt động trên vùng núi cao có nhiều khó khăn nhất so với các vùng miền trong cả nước; địa hình phức tạp, kinh tế chậm phát triển cơ sở hạ tầng yếu, thiếu…, nên những người làm tín dụng chính sách nơi đây đã luôn bám sát sự quan tâm chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và Đảng bộ chính quyền địa phương, đặc biệt đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách, tập trung huy động tạo lập nguồn vốn, đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.

Bắc Kạn: Thực hiện hiệu quả nguồn vốn chính sách trong giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Điểm giao dịch xã Bản Thi, Chợ Đồn, Bắc Kạn đảm bảo 5K của Bộ Y tế 

Thành tích nổi bật suốt chặng đường 19 năm xây dựng và phát triển, ngay cả trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất, đời sống nhân dân, nguồn vốn chính sách ở Bắc Kạn vẫn tăng đều, năm sau cao hơn năm trước, đến 31/8/2021 đạt 2.298 tỷ đồng với 42.289 lượt hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn từ vùng sơn cước Ba Bể, Pác Nặm đến triền đồi Chợ Mới, Chợ Đồn được vay vốn thuận lợi, kịp thời xuống đồng, lên rừng tạo nguồn thu cho mình. Tiêu biểu có gia đình ông Nông Văn Duyên, dân tộc Tày, ngụ thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn đã sử dụng đồng vốn chính sách đầu tư xây chuồng trại kiên cố, nuôi đàn bò 25 con, trồng 2 ha rừng keo lá chàm. Số tiền thu được từ chăn nuôi, trồng trọt đã giúp nhà ông thoát khỏi danh sách hộ nghèo, trả đủ, trả đúng kỳ hạn nợ vay ngân hàng. “Vào giữa lúc dịch bệnh năm nay, gia đình tôi còn được NHCSXH huyện giải quyết vay thêm vốn ưu đãi thành 90 triệu đồng để mở rộng cơ sở sản xuất”, ông Duyên phấn chấn nói: Cũng từ chuyện vay vốn chính sách thoát nghèo, đồng bào dân tộc Tày, Dao, Nùng xung quanh hồ Ba Bể đã sản xuất ra nhiều nông sản hàng hóa đạt giá trị kinh tế cao như mô hình trồng chè sạch theo công nghệ VietGap 18 ha ở xã Mỹ Phương, vườn hồng không hạt 9 ha ở xã Thượng Giáo, 21 ha mướp vàng, bí xanh quanh sườn đồi xã Địa Linh… Nhờ sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, nên huyện Ba Bể có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, thu nhập hàng năm của đồng bào dân tộc tăng nhanh và được công nhận ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a.

Bắc Kạn: Thực hiện hiệu quả nguồn vốn chính sách trong giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Thăm hộ vay 90 triệu đồng của NHCSXH huyện Chợ Mới, Bắc Kạn

Vốn chính sách thực sự trở thành một trong những nguồn lực chính giúp vùng cao Bắc Kạn giảm 10,9% hộ nghèo giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm giảm 2,18%, đạt mục tiêu nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra. Để đạt được tỷ lệ giảm nghèo như vậy, theo ông Nguyễn Đăng Bình, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách là nhiệm vụ chính trị quan trọng, từ đó đã trực tiếp chỉ đạo, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH. Đặc biệt, thực hiện chỉ thị số 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tín dụng chính sách xã hội, UBND các cấp từ tỉnh đến huyện đã bố trí bổ sung nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH 33,5 tỷ đồng, tăng 5,6 tỷ đồng so với cuối năm 2020, hoàn thành 112% kế hoạch. Từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác tập trung thêm các nguồn lực tài chính về NHCSXH quản lý, thực hiện cho các hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn vay vốn thuận lợi. Cùng với đó, NHCSXH được tăng thêm sức mạnh, tạo vị thế trong cuộc hành trình vì an sinh, công bằng xã hội. Nguồn vốn lớn ấy cũng đã được chuyển tải kịp thời về khắp vùng miền núi cao, xa. Hầu hết hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn có nhu cầu và có đủ điều kiện tiếp cận thuận lợi tới đồng vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua mạng lưới 108 Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã, phường, thị trấn và hệ thống 1597 Tổ TK&VV ở khắp thôn, bản, tổ dân phố. Song hành là công tác phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng. Lãnh đạo Hội phụ nữ tỉnh Bắc Kạn cho biết; quán triệu sâu sắc nội dung Chỉ thị 40 về tín dụng chính sách, các cấp hội phụ nữ đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các công đoạn ủy thác như bình xét công khai, công bằng cho các đối tượng vay vốn chính sách, lồng ghép việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông, lâm nghiệp, với phong trào phụ nữ “hai giỏi”; đảm việc nhà, giỏi việc sản xuất kinh doanh. Mặt khác, Hội còn thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cấp hội làm tốt công tác quản lý vốn vay, thu nợ, thu lãi đúng quy định và không có trường hợp cơ sở hội, cán bộ hội phụ nữ nào chiếm dụng, xâm tiêu tiền vốn của ngân hàng.

Trên những cột mốc thành công của hoạt động tín dụng chính sách 19 năm qua, ngay trong mùa dịch bệnh, NHCSXH Bắc Kạn luôn đặt mục tiêu hàng đầu là tìm mọi giải pháp tăng nguồn vốn, tăng dư nợ các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, đặc biệt tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thực hiện sâu rộng Chỉ thị 40 và kết luận 06 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách; đồng thời đẩy mạnh phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả, khẩn trương triển khai cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu khơi thông dòng chảy nguồn vốn ưu đãi đến khắp mọi nơi, mọi lúc, xứng đáng làm nguồn lực chính trong giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững ở vùng núi cao Bắc Kạn./.

PV

Bài viết liên quan

Danh mục khác