Ngày 11/4, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cộng đồng, người dân trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội cụ thể hóa Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh bằng các chương trình, đề án, kế hoạch giải pháp chi tiết và triển khai thực hiện hiệu quả đạt mục tiêu Kế hoạch đề ra. Việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu cụ thể mà tỉnh Bắc Ninh đề ra là từ năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo Trung ương) bình quân hàng năm giảm 0,1% so với năm 2022. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình được đảm bảo nguồn vốn cho vay khi đủ điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình và các chính sách giảm nghèo.
Bắc Ninh đặt mục tiêu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh
Tăng tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình theo các chiều: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Trong đó, chiều thiếu hụt về việc làm, phấn đấu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định bền vững.
Chiều thiếu hụt về y tế, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 16 tuổi.
Chiều thiếu hụt về giáo dục, đào tạo, 100% học sinh là con hộ nghèo, hộ cận nghèo được đi học đúng độ tuổi và được miễn, giảm một phần học phí; 100% các trường được kiên cố hóa và đạt chuẩn quốc gia.
Chiều thiếu hụt về nhà ở, 100% hộ nghèo được đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh, 100% hộ nghèo được sử dụng nước sinh hoạt sạch, hợp vệ sinh và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Chiều thiếu hụt về thông tin, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận thông tin qua các phương tiện thông tin truyền thông, thông tin đại chúng (tivi, điện thoại di động, cố định, loa đài truyền thanh...).
Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo nhằm hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thực hiện hiệu quả dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, ngư nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Tỉnh Bắc Ninh sẽ chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Tập trung hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin, giảm nghèo về thông tin.
Cùng với việc triển khai hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm bền vững, tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội...
Trần Minh