Theo đơn tố cáo, bệnh viện Nhi Trung ương có số giường bệnh dịch vụ cao hơn nhiều so với quy định của Bộ Y tế, giá khám dịch vụ cao nhất; cùng với đó là dịch vụ nộp thêm 30 triệu để được mổ tim ngay thay vì chờ mòn mỏi nhiều tháng. Cũng trong đơn này, Giám đốc bệnh viện bị cho là ôm đồm quá nhiều chức danh. Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện đã trả lời báo chí về vấn đề này.
Luôn muốn xóa bỏ giường dịch vụ!
Ngày 11/10, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã trả lời báo chí về những vấn đề liên quan đến đơn tố cáo Bệnh viện này đang dần biến thành một bệnh viện dịch vụ.
Theo đó, trong đơn tố cáo này, Bệnh viện Nhi Trung ương hiện đã biến thành một Bệnh viện dịch vụ, với tổng số giường dịch vụ chiếm gần 30% trong tổng số giường bệnh, trong khi Bộ Y tế chỉ cho phép bệnh viện có không quá 10%. Theo đó, bệnh viện này có 400 giường dịch vụ trong tổng số 1.500 giường bệnh.
Trong đơn cũng phản ánh việc bệnh viện Nhi Trung ương có mức giá khám dịch vụ cao nhất cả nước. Khám đa khoa có hẹn là 390.000 – không hẹn là 580.000; khám chuyên khoa có hẹn là 580/000 – không hẹn là 680.000; Tái khám chuyên khoa giá 390.000 – tái khám đa khoa 290.000; khám cấp cứu giá 580.000.
Đặc biệt, Trung tâm tim mạch của BV này còn mở ra dịch vụ mổ sớm, người nhà muốn mổ sớm, “chỉ việc” nộp thêm 30 triệu đồng là đứa trẻ từ việc phải chờ đợi nhiều tháng trời sẽ được mổ ngay ngày hôm sau.
Lý giải về mức giá này, ông Lê Thanh Hải cho rằng giá dịch vụ theo yêu cầu đều được BV báo cáo thu chi với Bộ Y tế. Với mức giá này đã tính cả tiền lương và một chút lãi, BV thu mới đủ bù chi và có tích luỹ để tái đầu tư, dành quỹ chi trả cho bệnh nhân nghèo không có khả năng chi trả (khoảng 10 tỷ mỗi năm).
Phòng dịch vụ này tại Bệnh viện Nhi trung ương có giá 1,3 triệu/giường (phòng 2 giường). Ảnh: H.Hải
Theo đó, trong khoảng 3.000 lượt bệnh nhân, trong đó chỉ có khoảng 150 lượt bệnh nhân chọn khám theo yêu cầu. Bệnh viện chỉ dành 5- 7 bàn khám cho khoa yêu cầu, trong đó tại khoa khám bệnh bình thường có khoảng 60- 70 bàn khám. “Nhân lực khám dịch vụ đều là những bác sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ làm đủ 8 tiếng/ngày theo quy định của nhà nước”, ông Hải khẳng định.
Ông Hải cũng cho biết thực tế, tỉ lệ giường dịch vụ của BV này hiện chiếm 20-25% và hàng loạt phòng dịch vụ, thu phí 1.350.000đ/giường/ngày phòng 2 giường điều hòa, vệ sinh khép kín, bệnh nhân và người nhà được cung cấp ăn ba bữa một ngày. Các giường bệnh BHYT không có bệnh nhi nằm ghép, hoặc chỉ rất ngắn 24 giờ.
“Những giường dịch vụ để dành cho các bệnh nhân có nhu cầu điều trị tại bệnh viện dù bệnh không nặng lắm. Bác sĩ đã hướng dẫn, với tình trạng bệnh như thế này hoàn toàn có thể về tuyến dưới theo dõi, hoặc về nhà điều trị nội trú theo đơn, có vấn đề gì thì điện thoại trao đổi bác sĩ, rồi tái khám… nhưng nhiều gia đình kiên quyết không đồng ý, muốn nằm viện một vài ngày cho yên tâm. Trong khi, số giường bệnh của viện có hạn chỉ đủ dành cho bệnh nhân nặng. Đây là lý do phát sinh giường dịch vụ”, ông Hải giải thích.
“Tư tưởng chúng tôi luôn muốn xóa bỏ toàn bộ giường dịch vụ, nhưng nhu cầu người bệnh vẫn có và tôi cho rằng, chỉ khi nào BHYT đảm bảo chi trả toàn bộ, 100% chi phí cho người bệnh nằm viện, thì mới dần bỏ được”, ông Hải nói.
Về việc mổ tim sớm, ông Hải cho biết bệnh viện chỉ có duy nhất 1 phòng mổ tim với 3 bác sĩ phẫu thuật được. 1 ngày, mỗi bác sĩ mổ được 5 ca là kiệt sức, trong đó bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu phải được ưu tiên. Vì thế, những bệnh nhân không quá nặng, hoặc có thể mổ ở tuyến dưới nhưng mong muốn đăng kí tại bệnh viện thì phải vào danh sách xếp hàng.
Trước đây, những bệnh nhân chờ mổ này phải đợi hàng năm, thì nay đợi 2 – 3 tháng là được mổ. Trước đây 1 năm thực hiện được 500 ca phẫu thuật tim, nay 1 năm 2000 ca. Đó là nỗ lực rất lớn của các bác sĩ, với công suất huy động lên 300%”, Còn nếu mổ theo yêu cầu, người bệnh phải nộp thêm tiền dịch vụ, tùy theo mức độ bệnh, trong đó ca khó nhất, phải huy động lực lượng nhiều nhất, số tiền lên 30 triệu đồng.
“Đây là những ca mổ tự nguyện ngoài giờ, còn trong giờ hành chính, các bác sĩ đều mổ theo lịch bệnh nhân đã xếp và mổ cấp cứu”, ông Hải khẳng định.
Một mình “ôm” 5 – 7 chức danh?
Trong đơn tố cáo này cũng tố ông Hải ôm đồm nhiều chức danh, như: Bí Thư Đảng uỷ, Giám đốc Trung tâm tim mạch (trong khi ông Hải không hề có chuyên môn trong chuyện này), Giám đốc viện nghiên cứu sức khoẻ trẻ em, Trưởng khoa Cấp cứu – Chống độc. Ngoài ra ông còn là Phó trưởng Bộ môn Nhi, ĐH Y Hà Nội. Đây là biểu hiện rõ ràng của tình trạng “chức danh khống”, có chức danh nhưng thực thể không làm việc mà chỉ ngồi hưởng lương”- đơn tố cáo dẫn chứng.
Nói về vấn đề này, ông Hải cho biết, bản thân ông còn không nhớ mình “ôm” bao nhiêu chức danh, 6 hay 7. Tuy nhiên, việc “ôm” các chức danh này là bất đắc dĩ, do hệ thống một số khoa phòng còn lộn xộn nên cá nhân ông phải đứng đầu để chấn chỉnh hệ thống.
“Như trước đây, tôi cũng đã phải làm thêm chức Trưởng khoa Tiêu hóa và cũng đã bàn giao lại cho bác sĩ khác sau khi tìm được nhân sự phù hợp. Hay với chức danh Giám đốc Trung tâm tim mạch, tôi cũng đã giao bên tổ chức cán bộ, nội trong năm nay phải tìm được người lãnh đạo mới để ổn tình hình.
Còn dù nhiều chức danh như vậy, nhưng tôi chỉ có hai chức danh được hưởng lương là Giám đốc bệnh viện và Trưởng khoa Cấp cứu – Chống độc. Còn những việc kiêm nhiệm là để củng cố đơn vị, ngay sau khi ổn định sẽ bàn giao lại”, ông Hải nói.
(Nguồn dantri.com.vn)