Bà Giàng Thị Sáng là người dân tộc Mông trú tại tỉnh Hà Giang. Nhà bà Sáng có 5 đứa con, gia đình khá khó khăn nhưng bà không hề đắn đo suy nghĩ khi đón thêm một đứa trẻ côi cút về nuôi.
Dù nhà nghèo vẫn nhận trẻ về nuôi
|
Bà Sáng nói : “Nhà nghèo rồi thêm một đứa nữa cũng không sao. Nó tội lắm” Ảnh: V.Mai |
Bà Giàng Thị Sáng (sinh năm 1940) là người dân tộc Mông trú tại thôn Lùng Vi, xã Nà Khương, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Nhà Bà Sáng có 5 đứa con nhưng các con đều lập gia đình xa, bà ở với con út (Sùng Seo Lình), gia đình khá khó khăn…
Sùng Lềnh hàng xóm của bà Sáng cho biết: “Gia đình bà Sáng thuộc hộ nghèo “bền vững” lâu nay vẫn chưa tháo gỡ được, đặc biệt là chỗ ở của gia đình bà Sáng cho đến nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia, một phần là vì địa hình phức tạp và một phần do hoàn cảnh còn quá khó khăn. Tôi rất khâm phục tấm lòng nhân ái của bà ấy”.
Vào năm 2006, bà vô tình biết đến trường hợp em Sùng Mí Lử ở xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai do bố mẹ bất đồng, mẹ trốn đi Trung Quốc, bố không may tai nạn mất sớm, khiến em lâm vào tỉnh cảnh côi cút.
“Khi biết được chuyện của Lử, tôi bắt xe khách sang đón cháu về để nuôi, nhưng anh em bên đó không đồng ý, tôi đành về. Rồi bất ngờ sau đó, họ lại bảo cho tôi nuôi thì tôi lại qua đón cháu về” Bà Sáng cho biết.
Nay bà Sáng đã gần 80 tuổi, sức khoẻ cũng không còn như trước. Nhưng bà cụ người Mông vẫn cố gắng đi làm cùng gia đình, để giúp được phần nào đó. Bà nói “Vụ này tôi cố trồng 30kg giống ngô, để lấy tiền mua quần áo cho chúng nó đi học, dù không phải là con đẻ nhưng tôi đã nuôi thì phải có trách nhiệm với nó và yêu thương nó như con mình”
Yêu thương như con đẻ
Khi mới đón em Lử về ở với bà, lúc đó Lử tầm 4 tuổi vì hoàn cảnh khó khăn nên Lử ở nhà chăn trâu giúp bà, không được đến trường như bạn bè.
Đến khi Lử được 10 tuổi mới bắt đầu học lớp 1, Lử hiện đang là học sinh lớp 5, trường Bán trú tiểu học Nà Khương, em luôn đạt thành tích khá cao trong học tập.
Cô giáo chủ nhiệm Lử cho biết: “Ở lớp, em Lử là học sinh lớn tuổi hơn các bạn, nhưng em luôn đoàn kết và nỗ lục trong học tập. Lử suy nghĩ người lớn lắm, cuối tuần học xong là chạy vội về để giúp gia đình, em là một trong những tấm gương để các bạn khác phải học theo”.
|
Lử luôn dạy các em học khi ở nhà, lúc chăn trâu. Ảnh: V.Mai |
Bà Sáng ngậm ngùi chia sẻ: “Trước tôi cứ nghĩ nhà nghèo quá, nó không có bố mẹ mình đưa nó về cho ăn no có nhà ở là được. Nhưng thấy nó muốn đi học quá tôi phải đi xin cho nó học, tôi muốn bù đắp những tổn thương mà thằng bé không may gặp phải.” Bà cũng đã khai sinh cho Lử là con cả của con trai út của bà, để cho Lử cũng có đầy đủ cha mẹ như các bạn trẻ nhỏ ở trong làng.
Sùng Lình (con trai út bà Sáng) chia sẻ: “Mẹ tôi là người rất tốt bụng, mẹ thương tôi bấy nhiêu thì cũng thương Lử như thế. Hiện mẹ còn nuôi lợn, gà để lo cho Lử sau này cưới vợ, vì nhà nghèo đông con nên phải sắm từ bây giờ.”
Lử nghẹn ngào chia sẻ rằng: “Nếu không có bà chắc em bị bán đi rồi. Nên em luôn coi bà như mẹ đẻ của mình, nhiều lúc thấy vất vả quá em chỉ muốn bỏ học về giúp bà trồng ngô, nhưng bà không đồng ý nên em nghĩ mình phải gắng học giỏi để không phụ lòng và sau này còn có cơ hội báo ơn bạ cụ người dân tộc Mông”.
(Nguồn kienthuc.net.vn)