Qua thủ tục thông báo khởi kiện của tổ chức Công đoàn đã có 114 đơn vị, doanh nghiệp tự giác nộp số tiền trên 108 tỷ đồng tiền nợ đọng BHXH. Tuy nhiên, số được thụ lý và khởi kiện không đáng kể. Phần còn lại chưa thực hiện bởi những vướng mắc về mặt pháp lý.
Theo ông Lê Đình Hùng, thời gian qua, tổ chức Công đoàn Hà Nội với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đã luôn chủ động trong việc tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; huy động và phối hợp nhiều nguồn lực khác nhau để cùng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để đoàn viên, người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN được hưởng đúng, đủ, kịp thời chế độ, quyền lợi của mình.
Tuy nhiên, tình trạng nợ, trốn, đóng của các đơn vị sử dụng lao động đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến BHXH, BHYT và quyền lợi người lao động. Những khó khăn, vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH hiện chịu chi phối của 4 bộ Luật hiện hành, gồm: Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH năm 2014 và Bộ luật Lao động năm 2019 dẫn đến sự chồng chéo, cách hiểu chưa đồng nhất. Cụ thể, ông Lê Đình Hùng dẫn chứng, có luật quy định công đoàn cơ sở được khởi kiện, có luật quy định phải có chữ ký ủy quyền của từng người lao động, điều này khó khả thi vì rất ít người lao động khởi kiện đơn vị, doanh nghiệp họ đang làm việc...
Đáng lưu ý, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Lê Đình Hùng cho hay, bên cạnh những doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn, thực tế có những doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong các quy định của pháp luật hiện hành, cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động.
"Trong khi đó, mức phạt tối đa cho hành vi chậm đóng BHXH của người sử dụng lao động còn thấp, tối đa không quá 75 triệu đồng, tính thêm cả tiền lãi do chậm đóng vẫn thấp hơn so với lãi suất ngân hàng, nên chưa đủ sức răn đe", ông Lê Đình Hùng cho biết.
Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đã đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực BHXH, hạn chế thấp nhất hậu quả, thiệt hại gây ra, cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực BHXH, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất.
“Bổ sung chế tài và thực hiện nghiêm các chế tài đã có đối với các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH. Nghiên cứu, đề xuất tăng mức phạt tiền và mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm hành chính về BHXH phù hợp với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là đối với một số hành vi thường xuyên diễn ra hiện nay như: Trốn đóng, chậm đóng BHXH của chủ sử dụng lao động. “Các cơ quan quản lý nhà nước có thể nghiên cứu áp dụng một số biện pháp cứng rắn như: Công khai việc nợ đọng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng, không cho các đơn vị nợ đọng BHXH tham gia đấu thầu, thi công các dự án...”, ông Hùng khuyến nghị.
Song song với đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH theo hướng: Đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” trong việc kê khai, thu, nộp BHXH; giảm tối đa phiền hà và chi phí tuân thủ thủ tục cho người sử dụng lao động trong việc kê khai và nộp BHXH cho người lao động; xây dựng cơ chế để người dân giám sát hoạt động thu, chi và quản lý quỹ BHXH; chuẩn hóa các quy định, quy trình nghiệp vụ bảo hiểm thống nhất, đồng bộ, liên thông, liên kết cơ sở dữ liệu, tạo thuận lợi để người lao động có thể theo dõi, giám sát việc thu và nộp quỹ BHXH.
Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng là một trong những giải pháp được ông Hùng đề xuất. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH và các cơ quan thông tin truyền thông trong tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, các Điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự; Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT, Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự. Đặc biệt, cần cảnh báo những thủ đoạn phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH cũng như hệ thống chế tài xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đến người lao động và người sử dụng lao động với nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, để người lao động cũng như người sử dụng lao động thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chấp hành quy định pháp luật về BHXH.
Về phía ngành BHXH Việt Nam cần chú trọng việc mời đại diện cơ quan Công an tham gia các Đoàn thanh tra chuyên ngành, kiểm tra về việc thực hiện quy định pháp luật về BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động. Từ đó tạo tiền đề trong việc trao đổi, cập nhật thông tin, chính sách, pháp luật về BHXH, thủ đoạn phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH giữa cơ quan Công an với cơ quan BHXH, phục vụ việc phòng ngừa, ngăn chặn cũng như phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Cuối cùng, cơ quan BHXH các cấp cần chỉ đạo các phòng chuyên môn chủ động cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan Công an về các vụ việc vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực BHXH phát hiện được trong quá trình thực hiện nghiệp vụ của ngành. Trường hợp cần thiết, theo yêu cầu có thể cử cán bộ tham gia phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của ngành Công an trong việc phân loại, điều tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH.