Đa dạng hóa sinh kế giúp bà con thoát nghèo

Xóa đói giảm nghèo

12:11 12/04/2023

Những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã lồng ghép nhiều nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo nghề, hỗ trợ nhà ở, đất ở, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó, bộ mặt phum sóc ngày càng khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển sinh kế cho bà con Khmer một cách toàn diện.

Với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, các địa phương của tỉnh Bạc Liêu có đông đồng bào Khmer sinh sống đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tế của địa phương để mang lại chiếc “cần câu”, mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào Khmer.

Nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước không chỉ giúp người dân chí thú làm ăn, thực hành tiết kiệm mà còn thay đổi cả tập quán, thói quen canh tác lạc hậu trước đây khi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nhiều hộ đã vươn lên trong cuộc sống.

Gia đình ông Thạch Thinl, ở ấp Tà Suôl (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) là hộ đồng bào Khmer điển hình thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất. Ông Thạch Thinl chia sẻ: “Trước đây, kinh tế gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Nhưng kể từ khi được các cấp chính quyền tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ phát triển mô hình trồng màu, cùng với đó là được tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật... tôi đã biết cách sử dụng đồng vốn hợp lý cũng như nắm bắt kịp các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Không chỉ tôi mà nhiều gia đình khác trong ấp cũng vậy, thậm chí có hộ còn xây được nhà cửa khang trang, con cái học hành đàng hoàng... Tất cả những thay đổi trên là nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bà con Khmer”.

Đa dạng hóa sinh kế giúp bà con thoát nghèo - Ảnh 5.

Khánh thành nhà hỗ trợ các hộ nghèo ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai/Ảnh minh họa/nhandan.vn.

Bên cạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách của Nhà nước, những mô hình của các hội, đoàn thể triển khai như may gia công, tổ hùn vốn, mô hình heo đất tiết kiệm... cũng góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo. Nếu như đầu năm 2022, theo tiêu chí nghèo đa chiều, toàn tỉnh Bạc Liêu có 11.493 hộ nghèo (chiếm 5,09%) và 14.755 hộ cận nghèo (chiếm 6,54%) thì đến đầu năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 7.229 hộ (chiếm 3,19%) và hộ cận nghèo giảm còn 12.022 hộ (chiếm 5,32%).

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Duy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2025 của Bạc Liêu là hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Theo đó, để thực hiện chương trình, UBND tỉnh Bạc Liêu triển khai tổng nguồn vốn hơn 235 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hơn 204 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 9,7 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 195 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương là 30,7 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 1,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 29,2 tỷ đồng). Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm 2025, hộ nghèo bình quân giảm còn dưới 1%. Trong đó, hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 1%; không còn gia đình có công với cách mạng nằm trong diện hộ nghèo".

Sự quan tâm đầu tư, động viên kịp thời của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương, cùng những chính sách đang được triển khai thực hiện hiệu quả ở các vùng có đông đồng bào Khmer sẽ là động lực giúp bà con từng bước vươn lên trong cuộc sống. Từ đó, đồng bào nỗ lực chung tay cùng các cấp chính quyền trong việc phát triển kinh tế, tiếp tục có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển của quê hương.

KHÁNH UYÊN

Bài viết liên quan

Danh mục khác