Đồng Tháp tăng cường tuyên truyền đa chiều về chính sách BHXH

(LĐXH)- Thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ kết hợp hài hòa giữa hình thức tuyên truyền thường xuyên với hình thức tuyên truyền theo chiến dịch, ưu tiên tuyên truyền theo chiến dịch về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Tăng cường các phương pháp tuyên truyền đa chiều, kết hợp, dựa trên bằng chứng thay vì một chiều, đơn lẻ.

Ngày 20/12/2021, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch tuyên truyền BHXH đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Mục đích của kế hoạch là nhằm cụ thể hóa những nội dung đổi mới về truyên truyền BHXH để cán bộ, công chức và nhân dân trong tỉnh hiểu rõ sự cần thiết, lợ ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH; tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách, củng cố niềm tin và lan tỏa sâu rộng về tính ưu việt, giá trị nhân văn của chính sách BHXH. Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức và hành động, tự giác, tự nguyện tham gia BHXH. Qua đó, mở rộng phát triển người tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân của Đảng và Nhà nước.

Đồng Tháp cũng xác định, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân và người lao động, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH; kết hợp hài hòa giữa hình thức tuyên truyền truyền thống với hình thức truyền thông hiện đại, truyền thông số trên mạng xã hội.

Đồng Tháp tăng cường tuyên truyền đa chiều về chính sách BHXH - Ảnh 1.

Đồng Tháp tổ chức tuyên truyền phát triển BHXH tự nguyện theo nhóm

UBND tỉnh yêu cầu, công tác tuyên truyền BHXH phải được tiến hành chủ động, thường xuyên, liên tục, thống nhất và đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành; đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, phù hợp với đặc thù từng nhóm dân cư và người lao động; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

Hoạt động tuyên truyền BHXH phải lấy đối tượng tuyên truyền làm trung tâm, trong đó chú trọng đến nhóm lao động phi chính thức khu vực thành thị, lao động khu vực nông thôn, người làm nông nghiệp, ngư nghiệp để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Qua đó hướng tới mục tiêu thực hiện BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH.

Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu năm 2021, có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi, sau đó mỗi năm tăng thêm 5% và đến năm 2025 đạt 65% lực lượng lao động trong độ tuổi được tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH; hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của 11 nội dung cải cách chính sách BHXH trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và các quy định mới của Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa nội dung cải cách.

Năm 2021, có 15% lực lượng lao động trong độ tuổi, sau đó mỗi năm tăng thêm 5% và đến năm 2025 đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi được tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện, ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện.

Về hình thức và phương pháp tuyên truyền, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu phải kết hợp hài hòa, đồng bộ giữa hình thức tuyên truyền truyền thống với hình thức tuyên truyền hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ (mạng xã hội, đoạn phim ngắn...). Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trực tiếp thông qua hội, đoàn thể, nhóm…; xây dựng Kế hoạch phát động các đợt “Ra quân tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT” trên phạm vi toàn tỉnh.

Đồng thời, kết hợp hài hòa giữa hình thức tuyên truyền thường xuyên với hình thức tuyên truyền theo chiến dịch, ưu tiên tuyên truyền theo chiến dịch. Tăng cường các phương pháp tuyên truyền đa chiều, kết hợp, dựa trên bằng chứng thay vì một chiều, đơn lẻ.

Theo kế hoạch, Đồng Tháp sẽ đa dạng hóa nội dung tuyên truyền, tập trung tuyên truyền nội dung chính sách, ý nghĩa vai trò, lợi ích, giá trị nhân văn, tính ưu việt của chính sách BHXH; nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH.

Đặc biệt là tăng cường các tiếp cận truyên truyền BHXH dựa trên nền tảng công nghệ song song với hình thức tuyên truyền miệng, trực tiếp. Phối hợp đồng bộ các hình thức tuyên truyền trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, qua các hoạt động chăm sóc khách hàng, trên các mạng xã hội, các nền tảng công nghệ như facebook, zalo, youtube...; sử dụng dịch vụ tin nhắn (SMS) có nội dung tuyên truyền phù hợp.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền, phổ biến, đối thoại, tọa đàm, tư vấn trực tiếp, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ; tuyên truyền trực quan: thông qua tờ rơi, tờ gấp, pano, khẩu hiệu; sử dụng các hiện vật có mang thông điệp tuyên truyền về BHXH (áo, mũ, ba lô...) tặng cho người dân để tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện); tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, các hoạt động chăm sóc khách hàng, truyền thông theo chiến dịch... Ngoài ra có thể sử dụng các hình thức tuyên truyền khác, đảm bảo sự hấp dẫn, phù hợp nhu cầu thưởng thức và đặc điểm văn hóa, lối sống cũng như phong tục, tập quán của từng vùng, miền.

Đối với đối tượng người lao động và người sử dụng lao động, ngoài việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, đối thoại, giải đáp thắc mắc, tư vấn trực tiếp...; phải đồng thời ghi nhận các phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của người lao động; kết hợp với tuyên truyền trực quan tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, các doanh nghiệp. Đối với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cần tập trung tuyên truyền theo nhóm nhỏ đến từng cụm dân cư, hộ gia đình; ngoài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần chú trọng tuyên truyền trên đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xây dựng mô hình nông dân, phụ nữ với chính sách BHXH tự nguyện...

Chí Tâm

Bài viết liên quan

Danh mục khác