Khánh Hòa: Huy động cả hệ thống chính trị thực hiện chính sách giảm nghèo

(LĐXH) - Trong thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Các chế độ chính sách giảm nghèo đã đến được với các đối tượng; làm cho đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng yếu thế, người nghèo, người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện.

Khánh Hòa: Huy động cả hệ thống chính trị thực hiện chính sách giảm nghèo - Ảnh 1.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, giám sát công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh đáp ứng tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo; xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn. Đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững, xác định giảm nghèo góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển bền vững của tỉnh, phát triển kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm của sự phát triển trong điều kiện mới. Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Thương vụ Tỉnh ủy, các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Tỉnh cũng yêu cầu, xác định rõ vai trò của các cấp chính quyền, người đứng đầu chính quyền các cấp và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đối với công tác giảm nghèo bền vững. Tổ chức quán triệt các nội dung phù hợp với từng đối tượng, thành phần, từng cấp, ngành, nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, hiểu rõ những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 24-NQ/TU. Việc tổ chức quán triệt phải nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở xây dựng, cụ thể hóa thành kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện.

Bên cạnh việc tập trung thực hiện các giải pháp, tỉnh Khánh Hòa cũng giao nhiệm vụ đối với các sở, ngành, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh: Căn cứ nội dung Kế hoạch, có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thuộc trách nhiệm quản lý của ngành, lĩnh vực và các nội dung nhiệm vụ được phân công chủ trì thực hiện; tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết số 24-NQ/TU tới cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Bố trí đủ nguồn lực và chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách về giảm nghèo, thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các nội dung liên quan. Theo dõi tình hình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí đầy đủ nguồn lực của địa phương theo quy định; lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực của các chương trình, đề án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo; đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra, giám sát, xem xét trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về giảm nghèo. Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ hướng dẫn khen thưởng, biểu dương đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội kết quả thực hiện Kế hoạch.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền về công tác giảm nghèo, giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong công tác giảm nghèo bền vững.

Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đóng góp nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững. Khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; vận động các hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững. Tiếp tục tổ chức, phát động các cuộc vận động xã hội, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là Phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" và Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả như nhà ở, vốn sản xuất. Giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, căn cứ nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa bàn, địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung các Chỉ thị, Nghị quyết về giảm nghèo tới cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Tổ chức triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; phân công đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động và cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo, địa bàn khó khăn. Bố trí nguồn lực địa phương; lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực của các chương trình, đề án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo; đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Kiểm tra, giám sát, khen thưởng, biểu dương đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xem xét trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về giảm nghèo. Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

Hồng Phượng

Bài viết liên quan

Danh mục khác