Khi bộ đội giúp "cần câu" xóa nghèo

Xóa đói giảm nghèo

12:06 18/05/2021

Trong những năm qua, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 207 (Quân khu 5) đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện: Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả.

Kết quả đạt được đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, giữ vững thế trận lòng dân vùng biên giới...

Trao "cần câu" và hướng dẫn cách "câu"  

Mặc dù trời mưa to nhưng ngay từ sáng sớm, bà con vùng biên giới huyện Nam Giang đã có mặt rất đông tại Bệnh xá Quân dân y (Đoàn KT-QP 207)-nơi diễn ra chương trình trao tặng bò giống sinh sản năm 2020. Anh Bờ Nướch Nề, thôn B Lăng, xã Chơ Chun, phấn khởi nói với chúng tôi: “Nhận được thông báo Đoàn KT-QP 207 tổ chức trao tặng bò giống, bà con vui lắm! Cả đêm qua, vợ chồng mình không thể nào chợp mắt được, chỉ mong trời mau sáng để được nhận bò”.

Niềm vui của anh Bờ Nướch Nề cũng là tâm trạng chung của bà con các xã vùng biên giới huyện Nam Giang khi được Đoàn KT-QP 207 trao tặng bò giống sinh sản đợt này. Trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng anh A Lăng Blênh và chị Pờ Loong Tiếu, thôn Pa Lan, xã La Êê, tâm sự: “Các anh bộ đội "hai linh bảy" chu đáo lắm. Không chỉ tặng bò, đơn vị còn hỗ trợ vật liệu xây dựng chuồng, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi rất tỉ mỉ. Gia đình tôi sẽ cố gắng phấn đấu vươn lên thoát nghèo để không phụ công bộ đội”.

Theo Trung tá Hoàng Thanh Hải, Trưởng phòng Kỹ thuật-Vật tư (Đoàn KT-QP 207): "Thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2020, Đoàn KT-QP 207 đã trao 32 con bò giống sinh sản (trọng lượng từ 170kg đến 175kg/con, 18-24 tháng tuổi) tặng 32 hộ gia đình trên địa bàn hai xã: La Êê và Chơ Chun; trao 60 con heo đen giống địa phương (trọng lượng từ 15kg đến 17kg/con), 400 gốc chuối mốc giống tặng 4 hộ gia đình tại thôn Pa Lan, xã La Êê".

Khi bộ đội giúp "cần câu" xóa nghèo - Ảnh 1.

Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 trao bò giống sinh sản tặng các hộ gia đình trên địa bàn xã La Êê và xã Chơ Chun (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam).


Nhằm giúp đồng bào phát huy hiệu quả con giống, cây giống, từng bước vươn lên thoát nghèo, Đoàn KT-QP 207 phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn, cử cán bộ về trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ gia đình; đồng thời hỗ trợ vật liệu làm chuồng, phân bón, dụng cụ nông nghiệp, thuốc thú y, xây dựng vùng cỏ nguyên liệu để cung cấp cho bò...

Thượng tá Lê Thái Hiền, Phó chính ủy Đoàn KT-QP 207 cho biết: "Đơn vị thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu KT-QP trên địa bàn 3 huyện: Nam Giang, Tây Giang và Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giúp nhân dân các xã biên giới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đồng thời, lồng ghép có hiệu quả với các dự án khác trong vùng, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh".

Nhân rộng những mô hình hiệu quả

Cùng lãnh đạo, chỉ huy Đoàn KT-QP 207 đến một số địa phương trong vùng dự án khu KT-QP tại huyện Nam Giang, chúng tôi ghi nhận sự khởi sắc rõ nét của vùng biên giới này. Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam trĩu quả đang vào mùa thu hoạch, ông Pơ Loong Tum, thôn La Bơ, xã Chà Vàl, vui mừng nói: “Nhờ có sự giúp đỡ của Đoàn KT-QP 207, đời sống của gia đình đã dần được cải thiện về mọi mặt”.

Được biết, trước đây, gia đình ông Pơ Loong Tum thuộc diện hộ nghèo nhất, nhì địa phương, thường xuyên thiếu ăn. Năm 2017, thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, gia đình ông Pơ Loong Tum được Đoàn KT-QP 207 hỗ trợ 50 cây cam Vinh và phân bón, dụng cụ nông nghiệp; hướng dẫn kỹ thuật trồng và cách chăm bón. Đến nay, vườn cam Vinh của gia đình ông đã cho thu nhập bình quân từ 15 đến 20 triệu đồng/năm.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, để giúp đồng bào dân tộc thiểu số các huyện phía tây tỉnh Quảng Nam giảm nghèo và thoát nghèo bền vững, Đoàn KT-QP 207 đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình hỗ trợ người dân, như: Trồng cây cam Vinh, cây chuối mốc; nuôi bò cái sinh sản, heo đen giống địa phương... Cùng với duy trì có hiệu quả các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, Đoàn KT-QP 207 đã xây dựng “ngân hàng bò, heo” để hỗ trợ bà con. Bò, heo giống được chăn nuôi thích nghi với điều kiện môi trường, thời tiết khắc nghiệt vùng cao biên giới, Đoàn KT-QP 207 mới tiến hành hỗ trợ bà con. Nhờ cách làm này nên khi bò, heo giống được giao về các hộ gia đình đều phát triển rất tốt.

Đề cập về kết quả thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Đại tá Văn Phú Diệp, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 207, cho biết: “Qua hơn 6 năm tổ chức thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trong khu KT-QP, Đoàn KT-QP 207 đã cấp cho các hộ gia đình 226 con bò giống sinh sản. Số bò tăng trưởng hằng năm khoảng 20-25%. Đến nay, đàn bò đã nâng lên 282 con. Bên cạnh đó, Đoàn KT-QP 207 còn hỗ trợ đồng bào trồng nhân rộng một số loại cây ăn quả có múi như: 5.500 cây cam Vinh, 5.000 cây chanh không hạt và 1.500 cây bưởi da xanh. Đến nay, cây cam Vinh, cây chanh không hạt đã cho thu hoạch. Những mô hình này đã nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình tương đối bền vững, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo trong khu KT-QP”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí A Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã La Êê, khẳng định: “Những năm qua, Đoàn KT-QP 207 đã đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền góp phần nâng cao dân trí, bảo đảm dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Đoàn KT-QP 207 đã phối hợp chặt chẽ để lồng ghép các chương trình khác của địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững do Đoàn KT-QP 207 triển khai đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi có giá trị theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động nông nhàn để phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng sống cho đồng bào thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới”.

Bài và ảnh: TÙNG LÂM - THÀNH NAM

Bài viết liên quan

Danh mục khác