Yên Bái là một trong 6 tỉnh phía Bắc được tiếp tục triển khai Dự án Giảm nghèo giai đoạn II từ năm 2010 đến 2015, trong đó có 5 huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên với 40 xã, 342 thôn bản được hưởng lợi từ dự án này.
Nhận bò giống từ Dự án Giảm nghèo giai đoạn II, gia đình ông Giàng A Sa ở xã bản Mù (Trạm Tấu) đã chăm sóc rất chu đáo.
|
Tổng mức đầu tư của Dự án 379.447 triệu đồng, gồm vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) 340.000 triệu đồng và vốn ngân sách Nhà nước 39.447 triệu đồng. Dự án có hai hợp phần chính gồm hợp phần I về phát triển kinh tế huyện và hợp phần II về ngân sách phát triển xã, trong đó tiểu hợp phần hỗ trợ sinh kế nằm trong hợp phần II.
Mục tiêu của tiểu hợp phần hỗ trợ sinh kế là tập trung vào thúc đẩy các hoạt động sinh kế để người nghèo có thể cải thiện được đời sống hiện tại và trong tương lai thông qua mô hình tổ nhóm có cùng sở thích, cùng đặc thù kinh tế như tự cung tự cấp là chính, cùng có các hoạt động sinh kế: sản xuất cây lương thực, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà hoặc nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, trồng rừng, trồng và chế biến chè…
Đối tượng hưởng lợi đều là hộ nghèo và hình thành các nhóm khoảng 10 hộ có cùng sở thích về các hoạt động sinh kế. Khi tham gia Dự án, các nhóm có cùng sở thích ngoài việc được hỗ trợ về vốn, con giống, cây giống, hạt giống, xây dựng chuồng trại, người dân còn được giúp đỡ rất nhiều yếu tố khác như sự chỉ đạo và theo dõi của Ban phát triển xã về sử dụng vốn, được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật sản xuất, vật tư liên quan đến phát triển sản xuất, được cung cấp thông tin về thị trường; các trưởng, phó các nhóm chủ động nắm bắt tình tình sản xuất chung của các thành viên để báo cáo với cơ quan quản lý Dự án có những điều chỉnh hợp lý cho sản xuất.
Bằng cách làm chặt chẽ, thiết thực đó, hiệu quả từ các hoạt động sinh kế đã khẳng định ngay trong thời gian ngắn. Điển hình như 10 hộ trong nhóm có cùng sở thích chăn nuôi bò ở xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu) đều có chung hoàn cảnh là nếu như không được hỗ trợ bò nái thì không biết đến khi nào họ mới mua được bò để nuôi. 5 hộ đầu tiên được nhận bò nái từ cuối năm 2011 thì nay 2 bò nái đã đẻ và số còn lại đều đang sắp đẻ. Khi bê con đến tầm tuổi 6 đến 7 tháng tự thì bò mẹ sẽ được chuyển sang hộ khác.
Dự tính nếu chăn nuôi thuận lợi thì trong khoảng 3 năm các hộ trong nhóm này sẽ đều có bò để nuôi. Hay như nhóm 10 hộ chăn nuôi lợn ở xã Bản Công cũng được hỗ trợ lợn nái đã sinh sản từ 1 đến 2 lứa hoặc đến tuổi phối giống và là giống lợn địa phương nên rất thích ứng với điều kiện chăn nuôi của các hộ nghèo. Các thành viên trong nhóm này còn được hỗ trợ cả lợn đực giống. Bởi vậy, nhiều hộ từ chỗ không có tiền mua con giống thì nay đã có lợn giống để chăn nuôi thương phẩm. Tại xã Phúc Lợi (huyện Lục Yên) cũng có tới 40 hộ đang được hỗ trợ sinh kế.
Chị Nguyễn Thoa, dân tộc Tày ở thôn 4, xã Phúc Lợi, nhóm trưởng nhóm cùng sở thích chăn nuôi lợn cũng bày tỏ: “Tuy là nhóm trưởng của nhóm nhưng trước khi chưa có hỗ trợ của Dự án thì gia đình đình chăn nuôi rất manh mún, nuôi lợn cả năm không lớn. Nay nhờ được hỗ trợ xây dựng chuồng trại, kỹ thuật, con giống nên nuôi lợn được nhiều hơn, cứ 3 đến 4 tháng là lợn có thể xuất chuồng”.
Chị Đặng Thị Nhất, dân tộc Dao ở thôn 4, xã Phúc Lợi (Lục Yên) đã rất thành công từ mô hình chăn nuôi gà nhờ được hỗ trợ sinh kế.
Cùng ở thôn 4, chị Đặng Thị Nhất là người Dao lại ở trong nhóm cùng sở thích chăn nuôi gà. Đặc thù cư trú của người Dao ở đây là các hộ ở khá liền kề nhau. Bởi thế, rất nhiều năm nay không thể nuôi được gà thịt do dịch bệnh quanh năm. Người dân chán nản không muốn chăn nuôi nên cuộc sống rất khó khăn vì chỉ trông vào ít ruộng và đánh bắt thuỷ sản trên hồ. Nay nhờ có sự quan tâm của Dự án Giảm nghèo giai đoạn II về hỗ trợ sinh kế nên giờ chị Nhất đã thấy nuôi gà không khó nếu được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi.
Ngược lên thôn Ngòi Xả, xã Phan Thanh, bà con Tày, Nùng ở đây cũng phấn khởi cho biết, nuôi lươn trong bể cũng không có gì quá phức tạp vậy mà trước đây chẳng ai biết cách làm. Bây giờ những gia đình ông Ngôn Kim Cương nuôi lươn trong bể xây, ông Hoàng Văn Định nuôi trong bể đào hố lót bạt đều đem lại hiệu quả như nhau. Nguồn thức ăn cho lươn như ốc bươu vàng, giun, tép nhỏ trên hồ Thác Bà rất sẵn nên chắc chắn nuôi lươn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế.
Điều quan trọng sau những lợi ích kinh tế, Dự án hỗ trợ sinh kế đã tác động mạnh vào cách nghĩ, cách làm kinh tế của người nghèo. Đặc biệt, họ sẽ học được tính kế hoạch trong các hoạt động sinh kế, biết cách tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật trong sản xuất, được động viên tinh thần vươn lên thoát nghèo bằng chính những hiệu quả kinh tế do người dân tham gia vào Dự án Giảm nghèo giai đoạn II.
Thành công của những nhóm cùng sở thích sẽ tạo cho cách làm ăn mới sức lan tỏa tới cả cộng đồng. Hệ thống chính quyền cơ sở cũng tích luỹ được những kinh nghiệm quý trong chỉ đạo phát triển kinh tế ở địa phương.
Hoàng Nhâm
Theo baoyenbai