“LỰC HÚT” TỪ MỘT GIÁM ĐỐC

Nhớ lại một lần về quê cách đây mấy năm, cô bạn mà tôi từng đội chung tàu lá chuối, che nắng đến trường, nay là nhân viên Ban Quản lý dự án điện Bắc miền Trung, có hỏi: – Ngoài đó, anh có hay gặp ông ...

Nhớ lại một lần về quê cách đây mấy năm, cô bạn mà tôi từng đội chung tàu lá chuối, che nắng đến trường, nay là nhân viên Ban Quản lý dự án điện Bắc miền Trung, có hỏi:
– Ngoài đó, anh có hay gặp ông Giáp không?
– Cụ Võ Đại tướng thì cũng vài lần bọn anh được làm sách của cụ – tôi thủng thẳng trả lời.
– Em không hỏi anh về Đại tướng. Ông Giáp đây là Nguyễn Đăng Giáp – Giám đốc Công ty 36, anh không biết à? Thế mà cũng làm sách, làm báo! Ông ấy người Nghi Lộc. Với Chánh, Phó giám đốc của em, ông ấy quả là một Thủ lĩnh thực thụ của ngành xây dựng, tinh tường và ghê gớm lắm; là bên B của cơ quan em ở thuỷ điện Bản Vẽ, nhưng sẵn sàng “đả” bên A xơi xơi. Có điều kiện, anh tiếp cận ông ấy mà viết, thú vị lắm, cá tính mạnh. Anh đã có lần nói thích người có cá tính phải không?…
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trao cúp ‘Tâm và Tài’     cho Đại tá Nguyễn Đăng Giáp năm 2009
 
Chuyện của cô bạn lơi lạt dần, nói đúng hơn là bị chìm lấp bởi bao nhiêu công việc và chuyện đời, nếu như không có một lần về quê sau đó. Lần này, người vui chuyện cùng tôi là anh Hoàng Văn Lĩnh, tên “cúng cơm” là Nuôi. Tôi học cùng lớp với anh Nuôi những năm cấp 1, cấp 2, nhưng anh hơn tôi vài ba tuổi. Khi tôi vào học cấp 3 thì anh nhập ngũ và đổi tên là Lĩnh.
Giữa chừng câu chuyện, anh hỏi:
– Ở Hà Nội, lại là dân báo chí, chú có biết Đăng Giáp người Nghi Lộc không?
– Em có biết bác ấy chút ít, nhưng cũng qua báo, đài thôi – tôi trả lời.
– Bạn bè chí cốt của anh đó. Tình nghĩa lắm. Đại tá, Anh hùng lao động, lại là giám đốc một công ty lớn, ăn nên làm ra nhưng không quên bạn bè, đồng đội thuở hàn vi ở chiến trường, ở Trạm khách Binh đoàn 11. Anh vừa ra dự đám cưới con Đăng Giáp về…
Cũng phải nói thêm một tình tiết khá lý thú sau đó. Khi tới gặp hỏi chuyện anh Giáp để biên soạn cuốn sách “Bộ đội Trường Sơn ngày ấy – bây giờ”, biết tôi là người Xuân Đan – Nghi Xuân, anh hỏi: “Ở Xuân Đan, chú có biết anh Nuôi không?”. Phải ngẩn tò te một lúc tôi mới nhớ Nuôi là tên “cúng cơm” của anh Lĩnh. Thú thực, nếu không có lần về quê trước đó, nghe anh Lĩnh nói là bạn chí cốt của anh Giáp, thì chắc chắn là tôi “bó tay chấm com”.
Một lần khác, tôi ngồi nghe hóng câu chuyện giữa vợ tôi với chị vợ anh Quảng (anh lái xe của cơ quan vợ tôi). Là lái xe, nhưng khi đi xe máy, anh lại bị xe ô tô đâm, chấn thương rất nặng, hơn chục năm nay điều trị tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Hỏi chuyện con cái học hành, nghề nghiệp, chị vợ anh Quảng nói, không giấu được xúc động:
– Thằng nhỏ nhà tôi tốt nghiệp trung cấp xây dựng, ra trường xin việc mấy nơi không được. Mấy anh bạn bố cháu đến nhờ bác Giáp 36, bác ấy nhận vào làm việc rồi. Đúng là “lính xế” cưu mang giúp đỡ nhau khi hoạn nạn!
Tiếp đó, khi chuẩn bị bài cho tạp chí Văn hoá quân sự số Xuân Tân Mão (2011), chúng tôi cho dùng bài “Ăn Tết bên dòng sông Giăng” của tác giả Nguyễn Minh, viết về Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã tổ chức đón Tết Canh Tý (2000) ngay tại dòng sông Giăng để kịp chỉ huy đơn vị thi công đập Môn Sơn – huyện Con Cuông, miền tây Nghệ An. Bài viết nhẹ nhàng, nói về tinh thần trách nhiệm của anh, gác lại tình cảm gia đình ngày Tết, để lo việc chung. Với tác phong sâu sát thực tiễn, Nguyễn Đăng Giáp đã có những quyết định chuẩn xác, để khi lụt Tiểu mãn đổ về thì đập Môn Sơn đã vững vàng đối đầu với lũ dữ. Điều đáng nói ở đây là trước khi xí nghiệp của anh nhận thầu, đã có hai nhà thầu thất bại khi thi công đập Môn Sơn. Theo Nguyễn Đăng Giáp, công trình đập Môn Sơn là nơi thử thách ý chí, quyết tâm dám nghĩ, dám làm của anh và đồng đội, cũng vì thế mà công trình này đã tạo bước ngoặt, tạo đà cho nhiều thành công của Công ty 36 sau này – bởi các anh đã tạo được niềm tin đối với khách hàng…
Tuy nhiên, khi Hội đồng biên tập tạp chí thông qua nội dung, có ý kiến cho rằng Giám đốc Công ty 36 đang “có nhiều vấn đề, phải thận trọng”. Tổng biên tập tạp chí cảm ơn sự “thận trọng” đó, nhưng vẫn quyết định cho in bài báo. Vì rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đưa nhiều tin, bài, đánh giá tốt Giám đốc Công ty 36; đặc biệt, ngày 1 tháng 9 năm 2010, anh vừa được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (Anh hùng Lao động duy nhất của năm 2010).
Như vậy, cùng với thời gian, từ những thông tin rất ngẫu nhiên, sức hút vô hình của anh đối với tôi quá lớn!
Để giải mã điều mà người ta cho là “có vấn đề”, tôi đã phải nhờ tới Đại tướng Phạm Văn Trà – chú Ba Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tôi nhờ chú Ba, vì trước đây khi giúp ông thể hiện cuốn hồi ký “Đời Chiến sĩ”, ở phần nói về các doanh nghiệp quân đội làm kinh tế giỏi, ông đánh giá cao Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tổng công ty Trực thăng, Công ty Tân Cảng, Binh đoàn 15… đặc biệt là Công ty 36, “sinh sau đẻ muộn”, nhưng đã nhanh chóng khẳng định được “thương hiệu” của mình.
Với Giám đốc Công ty 36, chú Ba Trà bộc bạch:
– Anh Giáp là người có tầm, có tâm; là cán bộ có tư duy kinh tế sâu sắc, thông minh, sáng tạo, dám làm dám chịu trách nhiệm; quyết đoán nhưng không đến mức liều lĩnh. Trong thời kỳ đổi mới, chúng ta rất cần những con người có tầm và dám xả thân như vậy. Cái tâm của anh là người sống có nghĩa có tình, có trước có sau, không chỉ với đồng chí đồng đội mà cả với nhân dân. Rất nhiều người hiểu và quý anh, nhưng cũng có người không ưa anh vì anh sống rất cá tính, thẳng thắn, trung thực, nói năng “bạch thoại”, có khi thái quá, nên có người hiểu lầm.
Chú Ba khuyên tôi: Thử tìm hiểu điều gì đã tạo nên cá tính mạnh của nhiều người Xứ Nghệ – mà Nguyễn Đăng Giáp là một điển hình.
Không muốn và cũng không thể kể hết những công tích của Công ty 36 trong gần 8 năm qua mà Nguyễn Đăng Giáp là người “đứng mũi chịu sào”. Nhiều sách báo, chương trình truyền hình giới thiệu và những công trình mà Công ty 36 thực hiện “phủ sóng” trong và ngoài nước; rồi sự kiện anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Công ty 36 từ một đơn vị làm ăn thua lỗ hàng chục tỷ đồng nay trở thành một đơn vị mạnh – phát triển thành Tổng công ty (trực thuộc Bộ Quốc phòng) đã nói lên tất cả. Tôi chỉ muốn thử tìm hiểu những gì đã tạo nên một Nguyễn Đăng Giáp hôm nay.
Điều đầu tiên tôi nghĩ tới là quê hương – cái nền tảng để anh và mỗi chúng ta “lớn nổi thành người”. Nghi Lộc quê anh chỉ cách Nghi Xuân quê tôi mỗi một mái chèo – lấy sông Lam làm “phân mao cỏ rẽ”, nên đất đai cỗi cằn, thời tiết nghiệt ngã, cung cách làm ăn, đặc biệt là cái nghèo khó và tính cách con người dung dị, chân chất như hạt thóc củ khoai, bộc trực “ăn sóng nói gió”… thì chẳng khác gì nhau.
Xã Nghi Trường quê anh và huyện Nghi Lộc nói chung là vùng đất có lịch sử lâu đời. Về điều kiện tự nhiên là vùng đất khá bằng phẳng, lưng tựa vào vài nhánh núi phía tây và tây bắc, nhìn ra phía trước là biển Đông – với đảo Song Ngư nổi tiếng làm đẹp thêm cảnh Cửa Hội, Cửa Lò. Cách đây 15 năm, Chính phủ chia tách khu vực phía đông nam sát biển của huyện Nghi Lộc để thành lập thị xã Cửa Lò, nhằm triệt để khai thác vẻ đẹp thiên nhiên ở đây, phát triển nhanh dịch vụ du lịch biển. Dân quê, người thì bỗng chốc lên phường lên phố, người vẫn lầm lũi với xóm làng, ruộng vườn. Có người hóm hỉnh, nói rằng: “Rứa là Lộc thì đi mà Nghi ở lại!”. Trước đây Nghi Lộc là huyện thuần nông. Ruộng ven sông làm lúa nước chỉ bé bằng bàn tay. Đất đai đa phần là cồn khô cát trắng. Cộng vào đó, một năm mấy lần lụt lội bão dông, rồi mùa hè gió Lào khét cháy…, nên nghề làm nông đủ bề cơ cực. Trong suy nghĩ của tôi:
Quê em nào khác quê anh
Mồ hôi nhuốm cát mà thành cơm, khoai.
Phải chăng “Đất nghèo nuôi chí anh hùng”, nên Nghi Lộc từ xa xưa đã là quê hương của nhiều danh tướng, danh sĩ; tiêu biểu là Cương Quốc công Nguyễn Xí – thời Lê, Nguyễn Hữu Chỉnh – thời Quang Trung – Nguyễn Huệ. Sang thời đại Bác Hồ có các tướng Trần Văn Quang, Hoàng Đan, Nguyễn Quốc Thước, Hoàng Niệm, Nguyễn Mạnh Đẩu…; nhà ngoại giao – Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh; các học giả Hoài Thanh, Hoài Chân, Nguyễn Đình Chú…
Người Nghi Lộc vẫn được xem là có nét gì đó cực đoan bao đồng lắm nỗi. Tôi đã từng nghe huyện Nghi Lộc tổ chức mít tinh mừng độc lập tháng 9 năm 1945, đại biểu một xã khi chào Quốc kỳ đã hô rất dõng dạc: “Chào cờ xã ta, chào!”, dứt khoát không chào cờ xã khác. Hay gần đây một nhà thơ đã khái quát tính cách người Nghi Lộc:
“Chưa từng được đến Thủ đô
Nghe đài báo mất Liên Xô thì buồn”…
Nhà nghèo, con đông, ở vào tuổi học trò, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, anh vừa đi học, vừa làm ruộng, lo việc nhà đỡ đần cha mẹ. “Anh cả giả cha” – người quê tôi nghĩ như vậy! Là anh cả của gia đình có tám anh em, cha là cán bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện; thu nhập cả nhà tính theo công điểm của Hợp tác xã nông nghiệp, nên trách nhiệm làm anh của Nguyễn Đăng Giáp càng nặng nề hơn (cha mẹ tôi cũng có tám người con. Vì nghèo nên chị cả tôi sau khi tốt nghiệp cấp 2 đã phải nghỉ học, mặc dù chị học rất giỏi, để ở nhà làm lụng giúp cha mẹ nuôi các em ăn học). Không có xe đạp, hằng ngày Nguyễn Đăng Giáp cùng bạn cuốc bộ đến trường cách nhà hơn năm cây số. Một buổi học, một buổi ở nhà, anh làm đủ thứ việc, nào chăn trâu, kiếm củi, cấy cày, gặt hái… như một lao động chính. Hôm nào học cả ngày, trưa anh ở lại trường “điểm tâm” bằng nắm cơm vừng được mẹ lọ mọ dậy nấu và nắm cho anh từ sáng sớm. Nhưng đâu chỉ có nghèo khổ. Lại còn chiến tranh, giặc giã. Anh nhớ lại:
Nhớ sao một thời lửa đạn
Lán tranh náu giữa lùm cây
Thầy trò đội bom đến lớp
Mẹ lo, mong ngóng tối ngày

Nhớ sao một thời khốn khó
Cô trò áo vá quần thâm
Đến trường vẹt mòn dép lốp
Đường xa vui bạn hóa gần…
Nghèo khó, chiến tranh không làm lơi lạt đạo nhà, đạo học. Cha anh – ông Nguyễn Đăng Cẩn, sinh năm 1934, có thời gian là Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, về sau chuyển sang làm Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, là người có mối quan hệ rộng, nhưng rất nghiêm khắc. Ông dạy con phải lập thân, lập nghiệp bằng trí lực của mình; phải biết vào đời và đi lên bằng chính đôi chân, cái đầu của mình. Muốn vậy, con em nông dân ở đất Nghi Lộc này, không có con đường nào khác việc học hành. Cha mẹ nghèo không có của nả cho con, chỉ gắng sức nuôi các con học kiếm lấy dăm ba chữ cho “bằng anh bằng em”. Không chỉ lo cho con học, dạy con đạo làm người, ông Nguyễn Đăng Cẩn luôn nhắc nhở các con rằng: gia đình, dòng tộc Nguyễn Đăng có truyền thống hiếu học, con cháu không được làm hổ danh truyền thống tốt đẹp đó. Cụ Nguyễn Đăng Lương – cụ nội anh Nguyễn Đăng Giáp là học trò quý của cụ Nguyễn Thức Tự (người Nghi Trường) – một yếu nhân của phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX, một nhà giáo nổi tiếng Xứ Nghệ, một danh nhân văn hóa. Là bạn đồng môn của thân phụ Bác Hồ – cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cụ Nguyễn Đăng Lương là người tài trí, mới 18 tuổi đã được nhậm chức chánh tổng. Hiện nay, Từ đường dòng họ Nguyễn Đăng ở Nghi Trường còn lưu giữ sắc phong và kỷ vật là câu đối của cụ Nguyễn Sinh Sắc tặng bạn đồng môn.
Vào những năm lửa chiến tranh rực cháy trên khắp hai miền Nam – Bắc và đất nước, quê hương đang buổi “đói nghèo như rơm rạ” thì cổng trường đại học quả là cao vời vợi – nếu không nói chỉ là giấc mơ của bao người. Nhưng với Nguyễn Đăng Giáp vào đại học không phải là không có thể. “Nếp nhà”, ước nguyện của mẹ cha, của bản thân và người thân hun đúc thành trì chí, quyết tâm cháy bỏng trong anh. Nuôi ước nguyện trở thành một kỹ sư địa chất, đặng góp phần đánh thức tiềm năng miền quê nghèo, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Đăng Giáp đã thi đỗ Đại học Mỏ địa chất. Mẹ cha mát lòng mát dạ, bạn bè phấn khởi tự hào.
Đầu năm 1971, cầm giấy báo tựu trường cũng là lúc quê nhà vào đợt tuyển quân. Chí làm trai khi đất nước đang cơn binh lửa, đã hối thúc Nguyễn Đăng Giáp tạm gác nghiệp bút nghiên, viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi chưa tròn 18 tuổi.
Vào bộ đội, sau mấy tháng huấn luyện tân binh, thấy Nguyễn Đăng Giáp nhanh nhẹn hoạt bát, đã tốt nghiệp cấp 3, cấp trên có ý định chọn anh đi học Đại học Quân y. Nhưng anh xin đi học lái xe. Lý do đơn giản theo anh là: Làm trai cần được trải nghiệm, như cỏ cây cũng phải ra nắng, chịu mưa mới cứng cáp và “có cứng mới đứng đầu gió”. Sinh năm 1954 – Giáp Ngọ – cầm tinh con ngựa phải là “chiến mã” tung hoành trên những nẻo đường chiến tranh mới “thỏa chí tang bồng”. Nguyện vọng của anh đã được trên chấp thuận.
Những tháng ngày học lái xe, đường số 7 – từ ngã ba Diễn Châu (thị trấn Diễn Châu) ngược phía tây, qua cửa khẩu Nậm Cắn xuyên sang Lào, trở thành con đường đầy “duyên nghiệp” đối với anh. Những lần đưa xe vượt dốc cao, cua hiểm – đặc biệt là Dốc Chó – một con dốc dài, vô cùng hiểm trở, anh đã tích cóp được chút “vốn liếng”, để trở thành người lính lái xe Trường Sơn.
Kết thúc khóa học lái xe, anh được bổ sung về Đại đội 20 Tiểu đoàn 781 anh hùng thuộc Binh trạm 14 Bộ Tư lệnh Trường Sơn, làm nhiệm vụ vận chuyển trên đường 20 Quyết Thắng.
“Trường Sơn đông nắng, tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”.
Với Nguyễn Đăng Giáp, anh không chỉ là người lính Trường Sơn mà còn được chiến đấu, trụ bám trên đường 20 Quyết Thắng – tuyến đường trọng yếu, ác liệt nhất của tuyến chi viện Trường Sơn. Đây là tuyến vượt khẩu nối đông với tây Trường Sơn. Dọc đường 20, tập đoàn trọng điểm ATP (cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích), Km 16 – hang Tám Cô, Trà Ang… là những “tọa độ lửa” trong nhiều năm đánh phá liên tục của địch.
Khi đế quốc Mỹ huy động cả nền công nghệ quân sự hàng đầu thế giới với nhiều loại bom đạn, khí tài tối tân, vận dụng nhiều thủ đoạn xảo quyệt cho cuộc chiến ngăn chặn, hủy diệt đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh, thì mỗi mét đường tồn tại, mỗi cân hàng qua tuyến vào chiến trường đã phải đánh đổi biết bao mồ hôi, xương máu của người lính Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đặc biệt là lực lượng lái xe Trường Sơn – những con người được vinh danh là “gan vàng, dạ ngọc”.
Trong một lần đưa hàng vượt trọng điểm, xe của Nguyễn Đăng Giáp “dính” bom tọa độ B-52, anh bị thương, phải vào viện. Sau khi điều trị lành vết thương, Nguyễn Đăng Giáp trở về đơn vị, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường.
Khi Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức các sư đoàn vận tải ô tô, chuẩn bị phục vụ các chiến dịch lớn, đơn vị anh được biên chế thuộc đội hình Sư đoàn ô tô 471, làm nhiệm vụ vận chuyển trên chiến trường Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, vào tới miền Đông Nam Bộ. “Lịch sử sang trang, anh vào trận cuối cùng” – trong Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, Nguyễn Đăng Giáp đã cùng đơn vị cơ động Sư đoàn 10 Quân đoàn 3 từ chiến trường Tây Nguyên thần tốc, táo bạo tiến về tham gia giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
5 năm lái xe trên đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù đã tôi luyện ý chí, bản lĩnh và tay lái, để Nguyễn Đăng Giáp xứng danh là một “chiến mã Trường Sơn”.
Kết thúc kháng chiến chống Mỹ, trong khi nhiều đồng chí đồng đội phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thì Nguyễn Đăng Giáp lại cùng đơn vị nhận nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào. Thời gian làm nhiệm vụ quốc tế, đơn vị của anh đã giúp bạn xây dựng nhiều công trình giao thông, công trình dân dụng ở Xinh Ngân, Him Hợp, Mường Phìn, Đồng Hến… Anh đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương Ítxala của Nhà nước Lào.
Kết thúc 10 năm làm nhiệm vụ giúp bạn, về nước Nguyễn Đăng Giáp được phân công làm Trạm trưởng Trạm khách TO2 của Binh đoàn 11. Đây là thời điểm khởi đầu của công cuộc đổi mới, cả nước dồn sức cho cuộc chiến chống đói nghèo.
Là người nhanh nhạy trước thời cuộc, Nguyễn Đăng Giáp sớm thấy những thiệt thòi, hạn chế của những người lính bước ra từ chiến tranh, đang đối mặt với thương trường. Kinh nghiệm, vốn sống không thiếu, đặc biệt là bản lĩnh đã được tôi rèn qua lửa đạn, nhưng học vấn, chuyên môn lại quá hổng. Để khỏa lấp dần lỗ hổng đó, Nguyễn Đăng Giáp đã lao vào học tập. Vừa công tác, anh vừa theo học Đại học Luật hệ chính quy; đồng thời mày mò nghiên cứu, học hỏi cung cách làm ăn, học cách kinh doanh, vừa để làm quen với thương trường vừa có thêm chút thu nhập để trang trải những nhu cầu tối thiểu của gia đình, từng bước đầu tư, nâng cấp Trạm khách.
Mặc dù chỉ là những nét chấm phá ban đầu, nhưng một Nguyễn Đăng Giáp năng động, có tư duy kinh tế đã lọt “mắt xanh” của lãnh đạo chỉ huy cấp trên. Theo đó, năm 1996, anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Xí nghiệp 37, kiêm Đội trưởng Đội 18 Công ty 665 – Binh đoàn 11. Đây thực sự là một bước ngoặt lớn nữa trong cuộc đời của anh. Từ đó, như xe đã nạp dầu, vào số, tay lái Trường Sơn – Nguyễn Đăng Giáp thả sức dấn ga, từ chiến trường vươn tới công trường, trưởng thành nhanh từ những công trình; góp phần quyết định tạo dựng thương hiệu Công ty 36 – và trở thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Ở đời, mấy ai trưởng thành trong chốc lát, cũng như anh Nguyễn Đăng Giáp đã từng quan niệm: “Núi cao phải có đất bồi”, hay: “Không trải nghiệm lấy gì làm chất liệu/Không khổ đau sao hiểu kiếp con người?”. Thêm một lần được tiếp xúc với anh, được nghe anh nói, tôi càng nghĩ tới một sự liên hệ bền chặt, máu thịt giữa Nguyễn Đăng Giáp hôm nay với một Nguyễn Đăng Giáp “tóc hoen nắng, da mặn mòi gió biển” ngày nào ở Nghi Trường – Nghi Lộc. Như cây xương rồng, như ngọn phi lao được gieo ươm ở xứ gió Lào, cát trắng, đã sống khỏe, sống vững vàng, tốt tươi. Chưa hết, chân dung người Anh hùng hôm nay còn là sự phóng dõi hình ảnh “chiến mã Trường Sơn” một thời tung hoành dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, trên đường 20 Quyết Thắng.
Có thể có nhiều yếu tố khác nữa, nhưng với tư duy trực giác của mình, tôi nghĩ đất Nghi Lộc – rộng hơn một chút là Xứ Nghệ với núi Hồng – sông Lam. Song Ngư – Dũng Quyết… rất hùng vĩ, nên thơ, nhưng cũng là xứ sở “Sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa”; truyền thống quê hương, dòng tộc, gia đình và những năm tháng “vào sinh ra tử” ở Trường Sơn…, là cội nguồn hun đúc, nuôi dưỡng phẩm chất, cốt cách, ý chí, trí lực của anh. Rồi “Trọng nghĩa khinh tài”, nghèo bạc tiền, của nả, nhưng giàu nghĩa, giàu tình – nét văn hóa của đất và người Xứ Nghệ… là ngọn gió biển mát lành, là giọt mưa giữa trưa hè làm dịu mát, nuôi dưỡng trong anh tình yêu thương con người, yêu quý cuộc đời. Mặt khác, trong ngôn từ mang tính “bạch thoại” của anh, tôi cũng thấy phảng phất một nét gì đó được cho là tính cực đoan bao đồng của người Nghi Lộc…
Một triết gia xưa có nói: Những gì tồn tại là hợp lý (tuy nhiên có những điều không hợp lý vẫn tồn tại). Bởi vậy, thật khó hình dung được một Nguyễn Đăng Giáp như thế nào, nếu như một ngày nào đó không thấy được điều mà người đời cho là “bạch thoại”; không thấy cái “góc cạnh”, thậm chí là “gai góc” ở vị giám đốc, người anh mà tôi kính trọng và ngưỡng mộ.

Bài viết liên quan

Danh mục khác