Những thay đổi về tiền lương, bảo hiểm xã hội

Nhiều lao động kỳ vọng thời gian tới trong năm 2022 sẽ có sửa đổi căn cơ về bảo hiểm xã hội, nối lại đàm phán tăng lương tối thiểu vùng sau 2 năm gián đoạn...

Những thay đổi về tiền lương, bảo hiểm xã hội - Ảnh 1.

Tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: CTV

Năm 2022, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình lên Chính phủ và dự kiến có nhiều thay đổi để vừa mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) và hạn chế rút BHXH một lần?

Diện bao phủ BHXH hiện nay chiếm khoảng 30% lực lượng lao động trong độ tuổi, cụ thể hơn 15,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 1,45 triệu người đóng BHXH tự nguyện. Còn khoảng 35 triệu lao động khu vực phi chính thức chưa tham gia, đồng nghĩa với không có lưới an sinh bao phủ.

Trong dự thảo đã công bố, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan soạn thảo tính đến việc bổ sung nhóm đóng bắt buộc, gồm các hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp; đồng thời thiết kế chế độ hưu trí đa tầng để thu hút lao động tham gia. Bộ LĐTBXH cũng đề xuất sửa điều kiện để hưởng lương hưu, rút dần số năm đóng BHXH từ 20 xuống còn 15 năm, tiến tới 10 năm để nhiều người tiếp cận hưu trí.

Một số chuyên gia lao động nhận định, rút ngắn năm đóng song mức hưởng bao nhiêu là điều cần tính toán kỹ. Quy định hiện hành đóng đủ 20 năm BHXH hưởng lương hưu 45% bình quân cả quá trình đóng. Nếu giảm xuống 10 - 15 năm, mức hưởng còn khoảng 20 - 25%. Như vậy lương hưu tính ra sẽ thấp.

Với khu vực BHXH tự nguyện cũng được nhiều chuyên gia đề xuất bổ sung nhiều quyền lợi, như thai sản cho lao động nữ; ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho lao động, thay vì chỉ có hai quyền lợi cơ bản là hưu trí và tử tuất.

Do chuẩn nghèo áp dụng tặng nên cơ quan soạn cũng đề xuất tăng tiền hỗ trợ đóng từ ngân sách nhà nước. Khi những chính sách trên được thực hiện đồng bộ, tình trạng rút BHXH một lần được kỳ vọng sẽ giảm. Ở dự thảo sửa đổi lần này, Bộ đề xuát chính sách có thêm nhiều điều khoản khuyến khích lao động tiếp tục ở lại hệ thống. Sau cú sốc COVID-19, các cơ quan quản lý nên tính đến việc thay đổi để bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành "giá đỡ" cho lao động trong thời gian tìm việc làm mới, để họ ít tính đến rút khoản BHXH một lần.

Theo các chuyên gia về lao động - tiền lương, năm 2022 là thời điểm chuẩn bị nguồn lực tạo đà thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong khu vực công, và tính toán khởi động lại việc đàm phán lương tối thiểu vùng trong khu vực doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới.

Chính sách cải cách tiền lương được Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 với dự kiến thực hiện từ tháng 7/2021. Tuy nhiên, do đại dịch nên lộ trình cải cách tiền lương đã được lùi thời điểm.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội đưa ra hai kịch bản về thời điểm cải cách tiền lương. Theo đó, nếu dịch được khống chế và kinh tế phục hồi dần, nguồn lực được chuẩn bị để thực hiện cải cách ngay đầu hoặc giữa năm 2023. Trường hợp dịch diễn biến phức tạp, thời điểm cải cách tổng thể có thể tiếp tục lùi, song cần tăng lương cho cán bộ, công chức sau hai năm liên tiếp không điều chỉnh.

"Tiền lương khu vực công phụ thuộc rất lớn vào ngân sách, nên từ năm 2022, các cơ quan sớm chuẩn bị dần nguồn lực cho cải cách; xem lại quá trình tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy hành chính; sớm có giải pháp tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu vào ngân sách thì mới có nguồn thực hiện cải cách", ông Huân cho biết.

Về lương tối thiểu vùng, hai mùa đàm phán diễn ra song chưa thể tăng do chịu tác động của COVID-19. Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu phủ xong mũi 3 cho người trên 18 tuổi trong quý I/2022, cùng lúc với phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Thực tế, nếu điều chỉnh tăng thêm vài trăm nghìn đồng mỗi vùng cũng là để bù đắp chi phí giá cả tăng lên trong hai năm qua. Lương cơ sở và lương tối thiểu vùng chưa điều chỉnh, song lương hưu và trợ cấp xã hội, trợ cấp bảo hiểm sẽ tăng 7,4% từ 1/1/2022. Người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 sẽ được điều chỉnh đạt 2,5 triệu đồng một tháng. Người hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng được tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng; người hưởng từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng được điều chỉnh đủ 2,5 triệu đồng. Tổng kinh phí dành cho điều chỉnh dự kiến khoảng 12.650 tỷ đồng.

Bài viết liên quan

Danh mục khác