Trong thời điểm khó khăn do đại dịch COVID-19, sự hỗ trợ này là động lực để người lao động tiếp tục tìm công việc mới.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (thành phố Tuy Hòa) nghỉ việc tại Công ty Cổ phần An Hưng từ tháng 11/2020 và đã nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 01 đến tháng 6/2021; số tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp còn bảo lưu 11 tháng. Khi Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 có hiệu lực, chị Hằng vẫn thuộc đối tượng được thụ hưởng.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng chia sẻ, khi biết mình đủ điều kiện hưởng hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, chị đã làm thủ tục qua giao dịch điện tử ứng dụng VssID vào ngày 3/10/2021. Đến ngày 07/10/2021, tài khoản của chị đã báo nhận được gói hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp 1.800.000 đồng. Trong thời gian chưa có việc làm mới, khoản hỗ trợ này rất kịp thời, giúp gia đình chị có thêm chi phí sinh hoạt trước mắt.
Đến hết ngày 11/10/2021, toàn tỉnh Phú Yên đã giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% cho 1.337 đơn vị sử dụng lao động với 33.650 người lao động trong 12 tháng (từ 01/10/2021 đến 30/9/2022), tương ứng với số tiền tạm tính gần 19 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ nhận hỗ trợ cho 5.790 người lao động (có 5.154 người lao động đang tham gia đóng Bảo hiểm thất nghiệp và 636 người đã dừng đóng Bảo hiểm thất nghiệp). Số tiền đã giải ngân hỗ trợ là 3,3 tỷ đồng cho gần 1.400 người với các mức từ 1,8 đến 3,3 triệu đồng theo quy định.
Theo ông Phan Ngọc Luận, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên, để chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP kịp thời đến tay người lao động, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện quy trình thủ tục đơn giản hơn, tạo thuận lợi, nhanh nhất cho người nhận. Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo nhằm triển khai tổ chức thực hiện các bước theo quy trình, nhất là nguồn dữ liệu để xác định đúng đối tượng cũng như mức hưởng. Người lao động và chủ sử dụng lao động có thể tiếp cận linh hoạt các hình thức chi trả như: Giao dịch trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội; qua dịch vụ bưu chính hoặc qua ứng dụng trực tuyến VssID. Người lao động được khuyến khích nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng để vừa đảm bảo kịp thời, minh bạch đến tận tay người lao động, vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương.