Sơn La phấn đấu có 1 đến 2 huyện thoát nghèo vào cuối năm 2025

Xóa đói giảm nghèo

11:22 07/03/2022

(LĐXH)- Ngày 3/3/2022, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo từ 4 - 5%/năm, có 1 đến 2 huyện thoát nghèo vào cuối năm 2025.

Theo Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chí xác định huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm 10 điều trong đó có 3 nội dung quan trọng là tiêu chí xác định huyện nghèo, hồ sơ đề nghị xác định huyện nghèo và quy trình, thủ tục xác định huyện nghèo. Trong đó có 4 tiêu chí xác định huyện nghèo gồm: Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện được dựa vào tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn trong tổng số đơn vị hành chính cấp xã của các huyện; tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện; tiêu chí về khu vực (miền núi, vùng cao, biên giới).

Căn cứ vào các tiêu chí, qua rà soát, tự chấm điểm của các huyện và kết quả thẩm định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sơn La có 4 huyện, gồm: Sốp Cộp, Thuận Châu, Bắc Yên, Sông Mã đủ điều kiện lập hồ sơ xác định huyện nghèo đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Sơn La phấn đấu có 1 đến 2 huyện thoát nghèo vào cuối năm 2025 - Ảnh 1.

Sơn La phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%/năm

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 21/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngày 3/3, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025. Qua đó, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin), nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.

Theo đó, Sơn La đặt mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân 3%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo từ 4 - 5%/năm, có 1 đến 2 huyện thoát nghèo.

Hỗ trợ thí điểm, phát triển 05 mô hình giảm nghèo (chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp, du lịch cộng đồng, mô hình khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh) tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho ít nhất 100.000 lao động, trong đó có trên 50% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng nghèo, vùng khó khăn. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.

Hỗ trợ đào tạo 16.000 người lao động thuộc các huyện nghèo trong đó đưa 150 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phấn đấu 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo và lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng, người dân.

Các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: chiều thiếu hụt về việc làm, phấn đấu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Chiều thiếu hụt về y tế, có 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống 17,9%. Chiều thiếu hụt về giáo dục, tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 80%; tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60% trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp. Chiều thiếu hụt về nhà ở, 100% hộ nghèo thiếu hụt về nhà ở trên địa bàn tỉnh, 100% hộ cận nghèo thiếu hụt về nhà ở trên địa bàn huyện nghèo được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở; cơ bản xóa nhà tạm, nhà đơn sơ, thiếu kiên cố đối với hộ nghèo của tỉnh...

Cùng với việc đề ra các nội dung cụ thể để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sơn La xây dựng, đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách trong thực hiện chương trình giảm nghèo đảm bảo phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch vốn, tổng hợp đề xuất nguồn vốn; phân bổ và hướng dẫn, giám sát tình hình thực hiện quản lý vốn ngân sách và các nguồn vốn huy động khác thực hiện Chương trình. Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo thuộc lĩnh vực ngành quản lý; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thực hiện kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

Chí Tâm

Bài viết liên quan

Danh mục khác