Báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên cho thấy, thời gian qua tỉnh đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh được nâng cao, số hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh (từ 36.798 hộ cuối năm 2021 xuống còn 26.869 hộ cuối năm 2022), vượt kế hoạch tỉnh đề ra hơn 1%, trong đó hộ nghèo giảm 5.971 hộ; cận nghèo giảm 12.245 hộ...
Đạt được kết quả như trên, tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, xóa nghèo đa chiều. Cụ thể, cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở tỉnh chú trọng tới việc hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật giúp người dân, đặc biệt là người nghèo nâng cao năng lực từ đó xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi gà mông
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo, ngày 27/4, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu giảm 4.711 hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó hộ nghèo là 3.365 hộ và hộ cận nghèo là 1.346 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 20 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động có việc làm bền vững.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.
Đối với các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm: chiều thiếu hụt về việc làm, 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Chiều thiếu hụt về y tế, 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.
Chiều thiếu hụt về giáo dục và đào tạo, tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi trên 97%, tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và tỷ lệ người lao động thuộc xã có tỷ lệ nghèo đa chiều cao, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 63%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 26,1%. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ, đào tạo kỹ năng nghề cho phù hợp.
Chiều thiếu hụt về nhà ở, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu hỗ trợ về nhà ở cho ít nhất 500 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở từ nguồn lực xã hội hóa, nguồn hỗ trợ từ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, kết hợp với cho vay ưu đãi để các hộ cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới về nhà ở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh, ít nhất 94% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 59% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Chiều thiếu hụt về thông tin: Ít nhất 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các xã còn khó khăn được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các sản phẩm truyền thông.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất; xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh. Tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Kế hoạch và quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; gắn với quy hoạch sản xuất, các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm chủ lực tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người cận nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống...
Chí Tâm