Theo kết quả rà soát hộ nghèo hàng năm thống kê, nếu đầu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cao gấp 1,37 lần cả nước thì đến cuối năm 2019 đã giảm xuống bằng 0,87 lần so với bình quân chung của cả nước. Đến cuối năm 2020, tỉnh Thanh Hóa còn 1,01% tỷ lệ hộ nghèo. Tỉnh có huyện Như Xuân thoát khỏi tình trạng ĐBKK theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; 26 xã bãi ngang ven biển, 5 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 55 thôn, bản đặc biệt khó khăn hoàn thành Chương trình 135. Nhiều xã, phường chỉ còn hộ nghèo là đối tượng bảo trợ xã hội. Đó là kết quả đồng bộ nhiều chương trình giảm nghèo trong đó có dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Hộ gia đình chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án tại Hội nghị tổng kết thực hiện Dự án giai đoạn 2016-2020
Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 222 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí thực hiện là hơn 102 tỷ 105 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 66 tỷ 364 triệu đồng, vốn đối ứng địa phương 283 triệu đồng, vốn đối ứng của hộ tham gia mô hình 35 tỷ 457 triệu đồng. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai được 47 mô hình trên địa bàn các huyện nghèo 30a, 16 mô hình tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, 65 mô hình trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 và 94 mô hình trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135, với hàng nghìn hộ là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; trong đó ưu tiên hộ có chủ hộ là nữ, hộ là người dân tộc thiểu số được tham gia.
Điểm sáng mà dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đem lại đó là việc góp vốn đối ứng, quy định thu hồi và luân chuyển vốn đã góp phần thay đổi ý thức của hộ gia đình từ việc trông chờ, ỷ lại đến tăng ý thức trách nhiệm, có sự đầu tư nghiêm túc để duy trì phát triển nguồn vốn được hỗ trợ. Dự án đã giúp gần 8.000 người được tập huấn về kinh nghiệm phát triển sản xuất, cập nhật những kiến thức mới về khoa học - kỹ thuật cũng như kinh nghiệm phòng, chữa bệnh, chăm sóc vật nuôi, cây trồng, từ đó ứng dụng để phát triển sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập. Trong giai đoạn 2016-2020, dự án đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 9 nghìn người, tạo việc làm tăng thêm cho hơn 6 nghìn người, góp phần giúp cho 2.005 hộ thoát nghèo. Trong đó có nhiều hộ vươn lên có điều kiện kinh tế khá, tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất, quay lại hỗ trợ hộ nghèo khác cùng tham gia phát triển kinh tế.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song trong quá trình triển khai thực hiện dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, như: Sự quan tâm vào cuộc của chính quyền, địa phương có nơi chưa cao. Sự chủ động của người dân khi tham gia dự án còn thấp. Việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ cơ chế đối ứng và thu hồi vốn chưa được quan tâm. Việc khảo sát, lựa chọn mô hình thực hiện dự án ở một số địa phương chưa chính xác dẫn tới trong quá trình triển khai có đơn vị còn đề nghị thay đổi mô hình... Những hạn chế đã làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn 2021-2025, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo chung của tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền để làm chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn, các hộ nghèo, cận nghèo về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững tại các địa phương. Phối hợp tham mưu cho tỉnh đề xuất các bộ, ngành Trung ương tăng định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho dự án để bảo đảm hiệu quả tham gia của các hộ, nhất là các hộ nghèo thu nhập; đồng bộ và quy định cụ thể về thực hiện cơ chế thu hồi, luân chuyển nguồn kinh phí hỗ trợ trong việc thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Có quy định cụ thể đối tượng được hỗ trợ khi tham gia dự án cho từng vùng tránh chồng chéo, trùng lắp.
Đối với các địa phương, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp một cách quyết liệt đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững nói chung và việc thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo nói riêng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo, coi đây là giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững; để người dân tham gia dự án hiểu rõ các quy định về trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia, nhất là những quy định về mức thu hồi, hình thức thu hồi và luân chuyển vốn, cách thức xử lý tình huống khi cây trồng, vật nuôi gặp rủi ro... Bên cạnh đó, cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc khâu kiểm định chất lượng trong quá trình hỗ trợ cây, con giống. Sử dụng những cây, con giống bản địa có khả năng thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để hạn chế dịch bệnh có thể xảy ra. Phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội và các đơn vị liên quan huy động nguồn xã hội hóa và vốn vay phát triển sản xuất hỗ trợ cho dự án nhằm tăng nguồn lực thực hiện cho hộ gia đình. Đối với công tác khảo sát và lập kế hoạch thực hiện dự án cần phải chính xác, khẩn trương, linh hoạt bảo đảm mô hình phù hợp với địa bàn, thổ nhưỡng, tập quán, nhu cầu các hộ gia đình… Các mô hình triển khai cần công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của cộng đồng người dân. Đẩy mạnh công tác kiểm tra có những biện pháp hỗ trợ kịp thời các hộ gia đình, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm thực hiện nhân rộng mô hình./.
Thu Lan