Thông điệp, cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tuyên thệ nhậm chức, trở thành người đứng đầu mới của Chính phủ là một nội dung được báo giới quan tâm, đề cập trong cuộc họp báo chiều 5/5, ngay sau phiên họp nội các thường kỳ đầu tiên.
Một câu hỏi được đặt ra với người phát ngôn của Chính phủ – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố khiến dư luận tiếp tục lo ngại về thực trạng tham nhũng, hối lộ vẫn phổ biến và có chiều hướng gia tăng trong khu vực công. Thủ tướng đã nêu quyết tâm chống tham nhũng nhưng làm thế nào để hiện thực hoá lời hứa này, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng hiện nay?
Một nội dung Thủ tướng đã hứa với Quốc hội sau khi tuyên thệ nhậm chức là đẩy mạnh việc chống tham nhũng (ảnh: HL)
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 4 này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã khẳng định quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng Chính phủ liêm chính.
“Thủ tướng, Chính phủ thống nhất kiên quyết, kiên trì và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động phòng chống tham nhũng (PCTN) đã đề ra với phương châm “nói đi đôi với làm và làm thực chất từ những việc nhỏ nhất” – ông Dũng khẳng định.
Biểu hiện cụ thể nhất là ít ngày trước, Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị tăng cường công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Trong năm 2016, Chính phủ sẽ rà soát, đôn đốc việc thực hiện, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về PCTN giai đoạn 2012-2016 đã được đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu tập trung vào các giải pháp hoàn thiện thể chế chính sách PCTN và quản lý kinh tế – xã hội, nhất là tăng cường công khai, minh bạch; chú trọng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng; tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng; mở rộng việc tiếp nhận thông tin, khuyến khích phát hiện tham nhũng, bảo vệ người tố cáo đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng vu khống; làm tốt công tác tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật PCTN để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật PCTN.
Theo người phát ngôn Chính phủ, từng thành viên Chính phủ sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động một cách thường xuyên, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, khắc phục những hạn chế, yếu kém, xử lý nghiêm vi phạm.
Thủ tướng cũng đòi hỏi các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ trong công tác PCTN, đồng thời kiến nghị các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân tham gia, đồng hành cùng Chính phủ trong công tác PCTN cũng như theo dõi, giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến giúp Chính phủ thực hiện thành công Chương trình hành động PCTN đã đề ra.
(Nguồn dantri.com.vn)