Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, tính đến ngày 31/12/2020, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với năm 2019, tương đương mức tăng 15,5% so với năm 2019, chiếm 4,2% số phải thu.
Như vậy, năm 2020, tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng, trong đó việc chậm đóng bảo hiểm xã hội chủ yếu diễn ra ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chiếm đến hơn 71%. Song năm 2020 cũng ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước với số tiền chậm đóng tăng đến hơn 50% so với năm 2019.
Phân tích theo thời gian chậm đóng thì số chậm đóng tập trung từ 1 tháng đến dưới 6 tháng với tỷ trọng 18,81%, nhóm chậm đóng từ 3 năm trở lên với tỷ trọng 34,4% và lãi chậm đóng với tỷ trọng 25,86%. Trong nhóm chậm từ 3 năm trở lên, chủ yếu là chậm đóng từ 4 năm, 5 năm trở lên với tỷ trọng 92,12%.
Theo Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số tiền nợ hằng năm có tăng nhẹ nhưng tỷ lệ nợ trên số thu giảm nhiều, do số tiền thu ngày càng tăng nhanh; số tiền nợ lãi chiếm trên 1/4 tổng nợ. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp dẫn đến việc thanh tra, kiểm tra bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên số nợ năm 2020 tăng hơn so với năm 2019.
Thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng như thường xuyên nắm thông tin hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp, giải pháp kịp thời đối với các doanh nghiệp mới phát sinh nợ, hạn chế nợ kéo dài, hoặc nợ với số tiền lớn; tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời tình trạng trốn đóng, cương quyết xử phạt hành vi trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội...
Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, biện pháp kiến nghị xử lý hình sự đến nay chưa được thực hiện (ngoài một số trường hợp doanh nghiệp chuyển tiền trả nợ trong quá trình điều tra của cơ quan công an). Nguyên nhân là do việc thu thập hồ sơ, tài liệu xác định tội danh hình sự về trốn đóng gặp nhiều khó khăn như: Báo cáo tài chính của đơn vị chưa sát đúng với thực trạng hoạt động của đơn vị, đơn vị không phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu... Một số cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu ngoài thẩm quyền của cơ quan Bảo hiểm xã hội như: Hợp đồng lao động bản chính, bản lương tất cả nhân viên của đơn vị, yêu cầu về xác định giám định viên tư pháp của cơ quan bảo hiểm xã hội...
Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, số nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 11.660 tỷ đồng là đáng báo động. Chính phủ cần phân rõ từng loại nợ bảo hiểm xã hội, loại nào do chây ỳ, loại nào do phá sản, giải thể, loại nào do dịch COVID-19 (trước, sau dịch)... để có giải pháp phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Như Ý, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, tình trạng chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về bảo hiểm xã hội cần đánh giá thêm nguyên nhân công tác phối hợp giữa ngành Bảo hiểm xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước, vai trò của Liên đoàn lao động tại các địa phương chưa thực sự rõ nét, nhất là công đoàn cơ sở.
Bà Như Ý dẫn chứng tại một số địa phương, dù công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý rất tốt, song cũng còn nhiều doanh nghiệp vi phạm chế độ, chính sách với người lao động, trong đó có trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. “Phải chăng, chế tài xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động còn thấp, thiếu tính răn đe, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận phạt để chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động?”, bà Ý nêu vấn đề.
Nhiều ý kiến tại phiên họp cũng kiến nghị cần tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Trung ương, địa phương, đặc biệt là vấn đề phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, vấn đề quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần...