Từ 1/6/2017: Tăng viện phí với người không có thẻ BHYT

Bộ Y tế vừa ban hành thông tư Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn...

Bộ Y tế vừa ban hành thông tư Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp. Theo đó, một số thủ thuật, phẫu thuật được điều chỉnh tăng khoảng 20- 30% so với mức giá hiện hành.

Theo đó từ ngày 1/6 tới đây, các cơ sở y tế sẽ chính thức áp dụng giá mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế, bao gồm: Mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh kiểm tra sức khoẻ; dịch vụ ngày giường điều trị; dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm… Thông tư cũng sẽ điều chỉnh giá viện phí với những người chưa tham gia bảo BHYT, hoặc có thẻ nhưng đi KCB hoặc sử dụng các dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT (không bao gồm đi khám tại các khoa khám tự nguyện, theo yêu cầu).

Bộ Y tế cho biết, thông tư này áp dụng cho các cơ sở KCB công lập, người bệnh chưa tham gia BHYT, người có thẻ BHYT nhưng khi KCB hoặc sử dụng các dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Theo đó, mức tối đa khung giá dịch vụ KCB gồm: chi phí trực tiếp như thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện các dịch vụ KCB, chi phí về điện nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ dụng cụ. Chi phí tiền lương gồm tiền lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật…

Cụ thể khi đi khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh nhân sẽ phải đóng 39.000 đồng/lần khám, tại bệnh viện hạng 2 là 35.000 đồng, hạng 3 là 31.000 đồng; hạng 4 và trạm y tế xã là 29.000 đồng. Một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20- 30% so với mức giá hiện hành. Bộ Y tế cũng bổ sung giá của 35 dịch vụ chưa được BHYT chi trả dịch vụ thẩm mỹ, thay răng giả, trợ thính, điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ…

Với những dịch vụ này, người có thẻ BHYT vẫn áp giá như người không có thẻ BHYT bởi các dịch vụ này chưa được Quỹ BHYT chi trả. Giá ngày giường được tính mỗi người trên một giường, nằm ghép hai chỉ được thu tối đa 50%, nằm ghép từ 3 trở lên chỉ được thu tối đa 30%. Trường hợp nằm trên băng ca, giường gấp tạm thời áp dụng mức giá ngày giường cho nằm ghép 2.

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này để tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ, nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT. Hiện nay theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người tham gia BHYT đạt 82% dân số, như vậy vẫn còn 18% dân số chưa tham gia BHYT. Thực tế cho thấy đã có nhiều gia đình người bệnh chưa tham gia BHYT nên khi mắc bệnh trọng đã trở thành khó khăn trong quá trình điều trị, nhiều người đã phải cầm cố cả tài sản, qua đó mới thấm thía giá trị của chiếc thẻ BHYT.

(Nguồn tienphong.vn )

Bài viết liên quan

Danh mục khác