Thưa ông, chuẩn nghèo đa chiều mới trong giai đoạn 2022-2025 có những điểm mới như thế nào?
Theo như thông lệ, cứ giai đoạn phát triển kinh tế 5 năm thì gắn với chuẩn nghèo mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Chính phủ áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 cho năm 2021. Theo chuẩn nghèo cũ thì cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 2,75% và hộ cận nghèo chiếm 3,61%. Tương đương số hộ nghèo khoảng 761.000 hộ và hộ cận nghèo khoảng 968.000 hộ. Số liệu về hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 đang được các địa phương tổng rà soát theo chuẩn nghèo cũ và rà soát theo chuẩn nghèo mới từ 1/1/2022.
Theo quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ xác định tiêu chí chuẩn nghèo mới quy định về mức thu nhập bình quân hộ nông thôn tăng từ 700.000 đồng/người/tháng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng và khu vực thành thị tăng từ 900.000 đồng/người/tháng lên 2 triệu đồng/người/tháng. Có 6 dịch vụ xã hội cơ bản xác định hộ nghèo đa chiều gồm: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. So với giai đoạn trước, chúng ta bổ sung thêm chiều về việc làm.
Hộ được xác định là hộ nghèo theo chuẩn mới ngoài tiêu chí về thu nhập thì là các hộ thiếu hụt 3 chiều dịch vụ trở lên. Dự báo, với tiêu chí mới về xác định hộ nghèo đa chiều, số hộ nghèo sẽ tăng từ 2,5 đến 3 lần so với hiện nay. Dự kiến cuối tháng 11, các địa phương sẽ có báo cáo chính thức về số hộ nghèo, cận nghèo.
Số người nghèo tăng còn do sự tác động của dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách lâu nên phát sinh tỷ lệ nghèo và tái nghèo tăng. Còn nguyên nhân khách quan khiến tăng tỷ lệ hộ nghèo là do đời sống xã hội tăng lên, mức sống tối thiểu tăng lên nên chuẩn nghèo cũng tăng lên.
Trong đợt xác định chuẩn nghèo đa chiều mới này, tiêu chí thu nhập về hộ nghèo và cận nghèo là như nhau nhưng khác nhau về thiếu các chiều dịch vụ xã hội cơ bản. Vậy theo ông lý do tại sao lại có sự khác nhau về phương pháp xác định hộ nghèo đa chiều này?
Điểm khác nhau của hộ nghèo và cận nghèo giai đoạn tới là thiếu các chiều dịch vụ. Hộ nghèo thiếu từ 3 dịch vụ trở lên và cận nghèo thiếu dưới 3 dịch vụ xã hội cơ bản.
Thiết kế chuẩn nghèo như vậy để từ đó xây dựng chính sách tác động, giải quyết thực sự những chiều dịch vụ xã hội còn thiếu hụt của hộ nghèo và cận nghèo nhằm giải quyết triệt để bền vững. Trong giai đoạn vừa qua, có tình trạng một số địa bàn, địa phương chỉ tập trung hỗ trợ hộ nghèo. Số hộ cận nghèo được hỗ trợ, tác động còn hạn chế nên có tình trạng hộ thoát nghèo rơi vào cận nghèo nên giảm được hộ nghèo nhưng tăng hộ cận nghèo.
Mức độ giảm hộ cận nghèo chậm hơn rất nhiều so với hộ nghèo nên thiết kế chính sách giai đoạn này hỗ trợ người dân thoát cả nghèo lẫn cận nghèo. Mục tiêu là đưa hộ nghèo và cận nghèo vượt lên mức sống tối thiểu bền vững. Mức sống tối thiểu đầu kỳ này đang là 1,5 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và 2 triệu đồng/người/tháng ở đô thị.
Chính sách tác động tới các hộ nghèo và cận nghèo phải tổng thể, giải quyết các chiều dịch vụ xã hội cơ bản còn thiếu, chứ không giải quyết đơn thuần chiều thu nhập. Do đó, các địa phương phải có chính sách tổng thể để nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội cơ bản như: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, BHYT, cải thiện dinh dưỡng, miễn giảm học phí, tham gia hoạt động giáo dục… Chúng tôi mong muốn thoát nghèo là thoát luôn khỏi cận nghèo.
Trong giai đoạn vừa qua, tỷ lệ nghèo cao nằm ở vùng “lõi nghèo” dân tộc, miền núi, bãi ngang ven biển. Theo ông, giải quyết tình trạng ‘lõi nghèo’ này như thế nào?
Vùng lõi nghèo là vùng có tỷ lệ nghèo cao, có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, chính là huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn gồm vùng dân tộc thiểu số, miền núi thuộc chương trình của Ủy ban Dân tộc chù trì và xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển thuộc phạm vi quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Hiện nay Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, đầu tư về phát triển hạ tầng xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Đầu tư cấp huyện nghèo, bãi ngang ven biển thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Với những địa bàn điều kiện mức độ khá sẽ được Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục đầu tư để sớm đạt tiêu chí nông thôn mới.
Về cách thức tổ chức sẽ giao nguồn cho địa phương. UBND cấp tỉnh chủ trì lập kế hoạch phân bổ nguồn vốn do HĐND cùng cấp quyết định. Do đó , dù đối tượng khác nhau nhưng giao cho địa phương chủ trì và tự quyết nguồn vốn đó làm ở đâu và làm như thế nào bảo đảm hiệu quả, không chồng chéo.
Cả 3 chương trình mục tiêu này đều đưa ra ưu tiên tập trung vào vùng lõi đầu tư cho con người, năng lực, về sinh kế, việc làm, dịch vụ xã hội cơ bản. Bên cạnh đó, các địa phương đầu tư về hạ tầng giúp bà con có hạ tầng thiếu yếu phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội.
Điểm mới của chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn mới có bổ sung chiều về việc làm. Theo ông, lý do vì sao lại bổ sung chiều về việc làm để xác định hộ nghèo đa chiều? Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang làm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng có tác động đến tiêu chí này không, thưa ông?
Một trong những chuẩn nghèo đa chiều mới là chiều thiếu hụt về việc làm. Đây là tiêu chí đầu tiên trong các chiều về dịch vụ xã hội cơ bản vì thực chất khi 1 hộ gia đình có ít nhất 1 người có việc làm bền vững , có thu nhập tốt thì cơ hội thoát nghèo cũng cao hơn rất nhiều. Chính vì thế, trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ đề trình Quốc hội là phấn đấu hộ nghèo có ít nhất 1 người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, ổn định, có thu nhập tốt, hướng tới việc làm bền vững giúp hộ đó thoát nghèo.
Việc làm là một trong những mục tiêu trọng tâm của chương trình giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới. Để người nghèo có việc làm cần xử lý rất nhiều bài toán trong chương trình mục tiêu và trong cả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Do đó, các địa phương rà soát nắm được trong hộ đó có ai trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động và thúc đẩy, hỗ trợ cho người trong độ tuổi lao động đó học nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động để có thể chuyển đổi việc làm, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo snh kế thông qua việc tham gia mô hình,dự án thoát nghèo tổ chức thoát nghèo. Các dự án này thiết kế theo hướng hình thành, củng cố lại các tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc tổ chức có quy mô nhóm hộ để có thể tổ chức chăn nuôi, trồng trọt hay phương thức sản xuất khác để giúp người nghèo khi tham gia vào mô hình này có được thu nhập ổn định, có sự chia sẻ, hỗ trợ, quản lý lẫn nhau trong tổ chức này.
Trong cơ chế mới cũng đặt ra mô hình tổ chức sẽ có cả người giỏi , có kinh nghiệm về làm kinh tế sản xuất tham gia dẫn dắt, lãnh đạo và hướng dẫn. Số này chiếm không quá 30% số người tham gia vào mô hình. Người tham gia để có sinh kế bền vững.
Chúng ta thực hiện nhiều giải pháp khác nhau nhưng hướng đến tạo sinh kế cho người nghèo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay do tác động của dịch COVID-19, nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tạo việc làm cho người nghèo do điều kiện kinh tế xã hội; tiếp đó là do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gặp khó khăn. Trong vài ngày gần đây, nhiều cơ sở sản xuất, khu công nghiệp hoạt động trở lại lại đang thiếu nhân lực trong khi nhiều lao động trở về quê, trong khi cơ sở sản xuất kinh doanh ở quê thì hạn chế về số lượng và quy mô nên người lao động khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Do đó, dịch COVID-19 trước mắt ảnh hưởng đến việc làm nhưng sẽ sớm được khắc phục khi sản xuất kinh doanh phục hồi trong bối cảnh bình thường mới.
Xin cảm ơn ông!